Đại biểu Quốc hội lo áp lực lạm phát khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024
VOV.VN - Một trong những nội dung được các ĐBQH bày tỏ sự quan tâm nhất là áp lực về lạm phát và cần kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7/2024 sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Một trong những nội dung được các đại biểu bày tỏ sự quan tâm nhất là áp lực về lạm phát và cần kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị từ 1/7/2024 thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trao đổi tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, từ 1/7/2024 sẽ tăng lương cơ sở so với mức hiện nay khoảng 25-30%.
“Tăng lương là nội dung quan trọng trong tổng thể cải cách tiền lương. Như vậy, chúng ta sẽ cân nhắc 2 nhóm là “tăng” và “bố trí, cân đối”. Về nguồn lực, chúng ta có thể nhận từ các nguồn để đưa vào cải cách tiền lương khoảng 680.000 tỷ đồng. Nguồn lực này để thực hiện tăng lương ít nhất đến cuối năm 2026. Sau đó, khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, chúng ta sẽ có bước cân đối tiếp theo”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng khẳng định, trong cải cách “lương phải tăng, chứ không giảm”. Theo Phó Thủ tướng, thực tế có những đơn vị có phụ cấp đặc thù, do vậy việc bỏ phụ cấp đặc thù và tính lương theo vị trí việc làm thì lương các đơn vị này có thể bị giảm xuống. Đây là vấn đề khó của cải cách tiền lương khi đi ngược với tiêu chí vừa nêu.
Góp ý vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn về việc 4 tháng đầu năm, đặc biệt gần nhất là tháng 4, chỉ số tiêu dùng CPI tăng 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,93%. Điều này cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều quan trọng để củng cố kinh tế vi mô.
“Cần kiểm soát tốt lạm phát, nhất là tới tháng 7 khi thực hiện cải cách tiền luơng, tăng lương… Cán bộ công chức không khỏi lo lắng khi lương tăng, giá vàng cũng tăng. Do vậy, cần quan tâm thêm chính sách tín dụng và mong rằng Chính phủ có quan tâm chỉ đạo ngành Ngân hàng”, ĐB Nguyễn Thị Yến nói.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có hơn 86.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhiều đại biểu cho rằng, điều này cho thấy 1 bộ phận người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống. Những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch COVID-19 vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Cùng với đó, chính sách nhà ở xã hội cho người lao động hiện đang gặp nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả. ĐBQH đề nghị cần có chính sách bảo đảm trúng đích đến đúng đối tượng của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
ĐB Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng: “Chính sách nhà ở xã hội thực tế đã thực hiện đến đâu? Kiến nghị cần có đánh giá xác đáng và đúng đối tượng, để người thực sự có nhu cầu mua được nhà ở xã hội”.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cao năm 2023, nhất là trong lực lượng thanh niên, các vấn đề mất cân bằng giới tính vẫn còn cao được các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung trong báo cáo, cũng như có những giải pháp kịp thời trong thời gian tới.