Đại biểu Quốc hội: “Vì sao thu phí cao tốc cứ né công nghệ, thích thu tay?”
VOV.VN - “Cần tính thu phí trong bao nhiêu năm, mức thu thế nào và hệ thống công nghệ thu phí ra sao. Cao tốc vừa qua toàn thích thu tay, nói thu phí tự động không dừng thì quay ngoảnh đi. Chắc có gì đó mới vậy”.
Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại phiên thảo luận tổ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV.
“Ít nhất phải có một câu về chất lượng đường cao tốc”
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, những vấn đề lùm xùm liên quan đến đường cao tốc thời gian qua đều liên quan đến chất lượng. Cọc ruột tre, sụt lún, xuống cấp nhanh... do thiết kế, thi công hay giám sát nể nang lẫn nhau? Đây là vấn đề lớn nhưng dự thảo nghị quyết và tờ trình không thấy nói.
“Ít nhất phải có một câu, một điều về chất lượng đường, quy định quy chuẩn đường vào phụ lục để sau này Quốc hội còn giám sát” – đại biểu đề xuất.
Đề cập vấn đề nhượng quyền thu phí đường cao tốc Bắc Nam phía Đông để hoàn trả ngân sách sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, theo ông Đinh Ngọc Minh là vẫn chung chung.
“Cần tính thu phí trong bao nhiêu năm, mức thu thế nào và hệ thống công nghệ thu phí ra sao. Cao tốc vừa qua né công nghệ thu phí, toàn thích thu tay, nói thu phí tự động không dừng thì quay ngoảnh đi. Chắc có gì đó mới vậy. Như xưa thuế viết tay thì thích nay dùng điện tử không tránh được, có cố tình cũng bị truy. Do đó nên quy định thu phí tự động không dừng trong nghị quyết” – đại biểu đoàn Cà Mau kiến nghị.
Đồng tình với nhiều ý kiến, ông Đinh Ngọc Minh cũng bày tỏ “tiếc” khi chuyển hết các dự án sang đầu tư công mà không có dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nào, vì muốn làm nhanh để đưa dự án vào hoạt động.
“Tiếc cho dài hạn, vì nếu huy động doanh nghiệp tư nhân thì dù nhiều dù ít, bài toán đều có lời giải. Thu hút vốn 50% chưa được thì 40%, số còn lại Nhà nước đảm trách thì người ta vẫn làm nhanh và hiệu quả hơn” – ông Minh nói.
Cũng đặt vấn đề làm sao vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần phải đánh giá lại để tránh tư tưởng chuyển PPP thành đầu tư công vì theo đà này sẽ dần chuyển hết.
“Khó khăn về cơ chế, chính sách thì cần có giải pháp. Các dự án PPP nhà máy phát nguồn ở lĩnh vực điện thực hiện rất tốt. Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra đến 2030 có 5000km đường cao tốc, hiện mới gần 2000km mà nếu không có nguồn vốn từ các thành phần khác thì chắc chắn mục tiêu đó không thực hiện được” – ông Toàn phân tích.
Điều hoà hàng chục nghìn tỷ trong 2 năm thế nào?
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng băn khoăn về tiến độ khi mục tiêu đặt ra là sử dụng hơn 72.000 tỷ đồng từ gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đang được Quốc hội xem xét cùng lúc, bởi lẽ gói phục hồi chỉ tập trung hấp thụ vốn trong 2 năm 2022 và 2023 trong khi cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản hoàn thành vào 2025.
“Nhu cầu bố trí vốn cho dự án cao tốc phần lớn dồn vào 2 năm 2024, 2025 trong khi gói tài khoá, tiền tệ lại tập trung vào 2 năm đầu. Vậy điều hoà, điều phối thực hiện dự án cũng như kích thích phục hồi kinh tế ra sao phải rà soát, tính toán cho hàng năm mới thực hiện được. Bài toán này không giải được thì không đạt hai yêu cầu trong 2 Nghị quyết mà Quốc hội sẽ thông qua” – ông Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề và cho rằng dự thảo nghị quyết phải xác định rõ.
Bà Đoàn Thị Thanh Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đặt vấn đề về kế hoạch bố trí, điều hoà nguồn vốn giữa các thành phần thế nào khi sử dụng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế? Có hoà chung vào đầu tư công trung hạn để phân bổ cho 12 dự án hay không? Dự kiến dự án được bố trí vốn từ nguồn phục hồi và khả năng hấp thụ vốn thế nào? Liệu có đầy đủ thủ tục đầu tư dự án để năm 2022 hấp thụ được nguồn vốn hay không? Chính phủ cần đánh giá rõ nội dung này để phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Băn khoăn về tiến độ dự án, nữ đại biểu phân tích: Thời gian còn 4 năm, nhưng 10/12 dự án có tổng mức trên 10.000 tỷ đồng, tức dự án quan trọng quốc gia. Điều đó đồng nghĩa thủ tục qua nhiều bước thẩm định, tốn nhiều thời gian. Vậy đề giải quyết cơ chế ra sao để giảm thủ tục, Chính phủ có đề xuất gì như phân cấp phân quyền đảm bảo phát huy sự chủ động của địa phương hay không?.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, bà Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, thực tế có nhiều khó khăn. Qua khảo sát một số đoạn cao tốc thì ngay cả với dự án triển khai giai đoạn 1 cũng chưa bàn giao trọn vẹn mặt bằng. Do đó Chính phủ cần tổng kết đánh giá kinh nghiệm giai đoạn trước, có biện pháp khắc phục, cả về thể chế, chính sách để khai thông giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ.
Tương tự, vấn đề nguồn vật liệu xây dựng thi công dự án cũng là bài toán cần lời giải vì vừa qua có tới 9/11 dự án vướng mắc. Nhiều chủ đầu tư muốn khai thác mỏ vật liệu nhưng vướng thủ tục. Việc thiếu hàng triệu m3 thì bù đắp nguồn nào là câu hỏi cần trả lời./.