Dân chủ là động lực, mục tiêu của CNXH

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương. Tinh thần dân chủ trong cương lĩnh là chúng ta đặt dân chủ ở tầm cao tương xứng.

Đại hội Đảng lần thứ XI thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng. Trong đó có “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”. Phóng viên VOV phỏng vấn GS-TS Lê Hữu Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng khóa X - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia về những điểm mới cơ bản được đề cập trong các văn kiện này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết một số điểm mới cơ bản nhất trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” (bổ sung phát triển năm 2011) được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội có điểm mới rất quan trọng. Về đặc trưng xã hội chủ nghĩa, mặc dù cơ bản chúng ta có kế thừa đặc trưng cương lĩnh năm 1991, nhưng ở những đặc trưng này đều có sự bổ sung, phát triển so với Cương lĩnh năm 1991. Ví dụ đặc trưng nhất là xây dựng một “xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thông tin về Đại hội Đảng luôn được người dân quan tâm

Lần này chúng ta quan tâm hơn vấn đề dân chủ, coi trọng hơn vấn đề dân chủ. Theo tôi, chúng ta đưa “dân chủ” lên trước “công bằng” thì vấn đề dân chủ mới xứng tầm với dân chủ của Chủ nghĩa xã hội.

Bởi vì Chủ nghĩa xã hội là xã hội dân chủ, là một xã hội mang bản chất dân chủ mà như Lê Nin nói là “dân chủ gấp triệu lần so với chủ nghĩa tư bản”.

Dân chủ là động lực, là mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội. Cho nên chúng ta đưa vấn đề dân chủ lên tầm tương xứng với bản chất Chủ nghĩa xã hội.

Khi nói vấn đề dân chủ thì không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ kỷ cương phép nước. Phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương. Tinh thần dân chủ trong cương lĩnh là chúng ta đặt dân chủ ở tầm cao tương xứng.

Một đặc trưng nữa mà chúng ta nói là do nhân dân làm chủ. Khác với Cương lĩnh năm 1991 nói rằng “do nhân dân lao động làm chủ”, thì với đặc trưng chúng ta diễn đạt lần này “do nhân dân làm chủ” thì theo tôi nó có lợi hơn cho đại đoàn kết toàn dân tộc. Và mỗi người dân Việt Nam đều thấy được mình là chủ của đất nước và đều có trách nhiệm đối với việc xây dựng đất nước.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn chủ trương phát triển nhanh và bền vững và chủ trương “kết hợp đổi mới đồng bộ kinh tế với đổi mới chính trị” được nêu ra trong các văn kiện?

GS-TS Lê Hữu Nghĩa: Trong Văn kiện thứ hai rất quan trọng là “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm” thì tôi cho rằng có rất nhiều điểm mới. Đảng ta nêu ra 5 quan điểm phát triển. Trong đó đặc biệt quan trọng là quan điểm phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều đồng chí cho rằng, nhanh và bền vững là mâu thuẫn nhau, nhưng tôi cho rằng nó thống nhất biện chứng với nhau. Nhanh nhưng phải bền vững. Bền vững nhưng phải nhanh đó là yêu cầu của chúng ta. Không vì nhanh mà kém bền vững; không vì bền vững mà đi chậm, mà lại tụt hậu.

GS-TS Lê Hữu Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng khóa X - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia

Đây là quan hệ biện chứng giữa nhanh và bền vững mà trong chính sách chúng ta phải xử lý thế nào đó kết hợp giữa cả hai. Chúng ta không chạy theo tốc độ tăng trưởng, đơn thuần là vì nhanh mà coi nhẹ chất lượng, tức là coi nhẹ vấn đề bền vững. Nhưng không vì bền vững mà lại để tốc độ tăng trưởng quá chậm chạp.

Lần này chúng ta đặt vấn đề kết hợp đồng bộ và phù hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị ở đây không phải là thay đổi chế độ chính trị, không phải là thay đổi đường lối chính trị của Đảng ta, không phải thay đổi mục tiêu lý tưởng của chúng ta, mà đổi mới chính trị ở đây là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới mối quan hệ trong hệ thống này làm sao cho hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp hơn với đổi mới kinh tế và nó có tác động thúc đẩy cho đổi mới kinh tế tốt hơn, tránh nhân tố kìm hãm cho đổi mới kinh tế.

PV: Còn vấn đề giải quyết đồng bộ các mối quan hệ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì những mối quan hệ nào được chú trọng nhất, thưa ông?

GS –TS Lê Hữu Nghĩa: Dự thảo báo cáo chính trị 5 năm cập nhật được những vấn đề hiện nay, trong đó có những tư tưởng rất quan trọng đặt ra 8 mối quan hệ có tính chất biện chứng. Như là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, rồi quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; quan hệ giữa lực lượng sản xuất và phát triển sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Hay là quan hệ giữa việc thực hiện tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ….

Mối quan hệ biện chứng này là những mối quan hệ mà chúng ta đưa vào cương lĩnh là những điểm mới trong cương lĩnh, để từ đó chỉ đạo cho chiến lược và kế hoạch 5 năm thực hiện tốt những mối quan hệ biện chứng này.

Báo cáo chính trị cho 5 năm tới chúng ta quan tâm tới những vấn đề chẳng hạn như giải quyết đồng bộ hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện công bằng xã hội; giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, về an sinh xã hội… Đây là những vấn đề lần này chúng ta phải chú ý hơn, để giải quyết, để đảm bảo sự hài hòa giữa các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên