Tham luận nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh; lực lượng an ninh trong tình hình mới và cuộc chiến chống tham nhũng… là những nội dung được tham luận trong sáng 14/1.

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI, sáng 14/1, các đại biểu họp phiên toàn thể, nghe tham luận của các đoàn đại biểu, đóng góp vào các văn kiện của đại hội cũng như đưa ra các giải pháp để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết điều hành phiên làm việc sáng 14/1 (ảnh TTXVN)

Xây dựng giai cấp công nhân tiên phong

Đại diện cho giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trên toàn quốc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng mở đầu phiên họp bằng tham luận với chủ đề “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH”.

Thừa nhận sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn trong 25 năm đổi mới, song đại biểu Đặng Ngọc Tùng cũng khẳng định: Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn. Nhiều vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân hiện nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đó là những bức xúc về thu nhập, nhà ở, điều kiện hưởng thụ văn hóa, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp…

Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong số đảng viên mới kết nạp chưa năm nào vượt qua con số 10%. Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ công nhân lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Các nhiệm vụ tiếp theo là Nhà nước sớm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, tạo sự chuyển biến cả đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân; Cần triển khai một cách có hiệu quả chủ trương từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; Nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho công nhân, lao động để họ luôn gắn bó thiết tha với sự nghiệp của Đảng.

8 nhiệm vụ của ngành công an

Về xây dựng lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới, đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị- Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu ra 8 nhiệm vụ cụ thể của ngành công an trong 5 năm tới nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Đại tướng Lê Hồng Anh cho biết, Đảng ủy Công an nhất trí với nhiệm vụ quốc phòng an ninh nêu ra trong Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành TW khóa X trình Đại hội là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.

Cuộc chiến chống tham nhũng còn cam go

Một vấn đề được Đảng và nhân dân hết sức quan tâm là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tham luận của ông Vũ Tiến Chiến – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản . Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong một số lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp.

Ông Vũ Tiến Chiến cho biết, mục tiêu đặt ra cho công tác phòng chống tham nhũng trong 5 năm tới là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức liêm chính, củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đại biểu Vũ Tiến Chiến đã kiến nghị một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh giải pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế- xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Đại biểu Vũ Tiến Chiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

8 đặc trưng của CNXH

Là một nhà lý luận, đại biểu Lê Hữu Nghĩa- Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh làm sáng tỏ hơn đặc trưng XHCN đã được nêu ra trong Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, bổ sung năm 2011.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, nếu như Cương lĩnh năm 1991 nêu ra 6 đặc trưng của CNXH thì cương lĩnh bổ sung năm 2011 nêu ra 8 đặc trưng của CNXH khi đã được xây dựng xong, tức là kết thúc thời kỳ quá độ. Còn hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ quá độ.

Đại biểu Lê Hữu Nghĩa trao đổi thêm 2 đặc trưng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trước hết đó là đặc trưng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại biểu Lê Hữu Nghĩa nói: “Trong cương lĩnh bổ sung, chúng ta đưa dân chủ lên trước công bằng. Điều này xuất phát từ chỗ, dân chủ là mục tiêu, là động lực của CNXH. Tất nhiên, khi chúng ta nói dân chủ thì phải đi liền với kỷ cương, kỷ luật. Dân chủ trong đảng, dân chủ ở cơ sở, dân chủ ngoài xã hội, dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Như Bác Hồ nói, dân chủ là chìa khóa vạn năng. Đồng thời với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật”.

Xung quanh đặc trưng kinh tế của CNXH, đại biểu Lê Hữu Nghĩa tán thành với dự thảo cương lĩnh cho rằng: chúng ta phấn đấu xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

Theo ông Nghĩa, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là khi XHCH đã xây dựng xong, chứ không phải thời kỳ quá độ. Tư liệu sản xuất chủ yếu chứ không phải là tất cả. Cũng có ý kiến cho rằng, làm như thế thì kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài sẽ không phát triển.

Đại biểu Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh, điều quan trọng là ở cơ chế, chính sách, môi trường hoạt động của thành phần kinh tế này. Thực tế 20 năm qua kể từ cương lĩnh 1991, kinh tế tư nhân đã chiếm hơn 30% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao đông. Chính vì vậy, trong cương lĩnh, chúng ta cũng xác định, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Đánh giá đúng vai trò của DNNN

Đại diện cho Đoàn đại biểu Đảng bộ khối doanh nghiệp TW, đại biểu Võ Đức Huy dành nhiều thời gian để phân tích vai trò của các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước.

Theo đại biểu Võ Đức Huy, qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008, nếu không có các tập, đoàn, tổng công ty thì làm sao chúng ta có thể kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Trường hợp Vinashin chỉ là cá biệt trong bức tranh tổng thể đó. Những cá nhân sai phạm phải bị xử lý nghiêm túc. 

Đại biểu Võ Đức Huy đề nghị: “Chúng ta cần nhìn nhận các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước khách quan hơn để đánh giá đúng vai trò của nó. Đây là lực lượng kinh tế mà nếu không được củng cố, chăm lo thì chúng ta không có đội quân chủ lực, đi đầu vững mạnh. Đó là những đứa con cần được chăm sóc và bảo vệ”.

Tiếp đó, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, đại biểu Lê Phước Thanh trình bày tham luận với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh; đại biểu Trịnh Long Biên trình bày tham luận “Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng vững mạnh”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên