Đại tướng Tô Lâm: Xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự

VOV.VN - “Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự. Không có chỗ nào lọt khỏi phường, xã cả”.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Các ý kiến đều bày tỏ sự cần thiết phải ban hành dự án luật này.

Bảo đảm an ninh, an toàn từ sớm, từ xa

Bày tỏ sự cần thiết ban hành luật, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng đa số vụ việc về an ninh trật tự xảy ra từ cơ sở và để ngăn chặn, không để diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng thì phải có lực lượng kịp thời giải quyết ngay từ đầu.

“Lực lượng công an xã chính quy chỉ 5 đến 6 người nên không dựa thêm vào lực lượng bán chuyên trách, tổ dân phố, dân phòng thì khó nắm hết tình hình, bị động. Do đó việc xây dựng luật này là rất cần thiết từ căn cứ pháp lý, thực tiễn” – ông Thắng nêu ý kiến.

Góp ý cụ thể vào dự thảo, Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) cho rằng chưa có quy định cụ thể cấp nào, cơ quan nào có thẩm quyền thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, cần bổ sung vào luật để chính danh thẩm quyền.

Liên quan đến tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ văn hoá của lực lượng này, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đề nghị quy định không quá cứng để tránh “mình làm khó mình”. Bởi trình độ văn hoá chỉ là một yếu tố, trong khi đó kinh nghiệm tham gia trong lực lượng vũ trang hay có uy tín tại cộng đồng cũng rất quan trọng.

Ủng hộ ban hành luật, song Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng cần chú ý để không tăng biên chế, tăng gánh nặng ngân sách nhà nước, không làm ảnh hưởng đến hoạt động hành chính trong các cơ quan nhà nước ở cơ sở.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Ninh Bình) đề nghị thể hiện rõ hơn sự phối hợp trong nguyên tắc hoạt động bởi mọi việc đều từ cơ sở, nội dung phạm vi rộng.

Cho rằng luật phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho lực lượng này là phù hợp, tuy nhiên, bà  Hà băn khoăn mỗi tỉnh, thành có trình độ phát triển khác nhau có thể dẫn đến mức hỗ trợ lại khác nhau, không thống nhất giữa các địa phương.

Người dân phải được bảo đảm an ninh, an toàn

Cung cấp thêm thông tin tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe doạ, không ai bị ảnh hưởng. Xã, phường nào cũng tốt thì quận, huyện tốt, tỉnh tốt, cả quốc gia tốt. 

Đại tướng Tô Lâm cũng lưu ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có điểm mới là quan tâm an ninh, an toàn không phải chỉ an ninh quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà an ninh, an toàn đến cá nhân từng con người. Điều này rất quan trọng với người dân, với cơ sở, bởi thực tế rất nhiều người bị bắt nạt, bị đe doạ.

“Mục tiêu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hoà bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ. Chúng tôi triển khai Trung ương phải làm gì, tỉnh làm gì, huyện, xã làm gì. Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất. Không có chỗ nào lọt khỏi phường, xã cả” – ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng phân tích thêm, việc tăng cường công an chính quy về xã là một phần, không những đảm bảo an ninh, an toàn mà phải vận động quần chúng nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngay tại chỗ. Trước đây công dân có việc phải giao dịch lên tỉnh, huyện thì giờ phân cấp rất nhiều về xã. Một cửa giờ cũng là lạc hậu rồi. Xã lúc nào cũng phải giải quyết, bằng trực tiếp và qua mạng. Cải cách đó đến với dân rất quan trọng.

Khẳng định việc xây dựng những phường, xã không tội phạm, không ma tuý là mục tiêu rất lớn, Đại tướng Tô Lâm nói: “Tội phạm ngay ở xã, phường, có gì mầm mống dân ta biết. Rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết, và kém, dở hơn khi biết mà không giải quyết. Trăm thứ việc đều ở phường, xã, từ cứu hộ cứu nạn, giải quyết mâu thuẫn, đến quản lý cải tạo người phạm tội, tù tha về cũng ở xã chứ tỉnh, huyện có làm việc đó đâu. Công việc vô cùng nhiều!” – ông Tô Lâm chia sẻ, đồng thời khẳng định cơ cấu công an là không đủ nên cần sự tham gia của lực lượng trị an cơ sở, nhất là vai trò tham gia của nhân dân.

Về mặt pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, nhiều hoạt động liên quan quyền tự do, dân chủ của dân mà không có luật điều chỉnh thì không đúng quy định của Hiến pháp. Hơn nữa, thực tế ở cơ sở không đủ lực lượng để giải quyết các vấn đề phát sinh nên việc có văn bản luật để thống nhất các lực lượng tham gia là rất thiết thực, là lực lượng nòng cốt tham gia ngay tại chỗ.

Nhấn mạnh bản chất công tác công an là công tác dân vận, Đại tướng Tô Lâm cho rằng việc này với dân, với cơ sở lại càng rõ. “Tôi thường nói anh em công an chính quy xuống xã là vận động, tập hợp lực lượng, đưa các phong trào thi đua yêu nước với các phong trào khác. Anh phải giải thích, tuyên truyền đường lối chủ trương, pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật. Khi người dân tin, tín nhiệm anh rồi thì mới tính chuyện khác được. Đấy chính là phòng ngừa tội phạm” – ông chia sẻ, và cho rằng sự tham gia của lực lượng trị an ở cơ sở như cánh tay nối dài, làm tốt hơn công tác dân vận.

Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh công tác tập hợp, vận động, tuyên truyền rất quan trọng để ngăn chặn tội phạm. Đây cũng là việc của công an và lực lượng ở từng phường, xã. Công tác này phải đi trước, từ sớm, từ xa để xây dựng xã hội lành mạnh, kỹ cương, an ninh, an toàn. Không phải khi sự việc xảy ra rồi mới giải quyết vì như thế chỉ là giải quyết hậu quả.

Trước băn khoăn của đại biểu về kinh phí ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ tin tưởng không có gì trở ngại, khó khăn lắm. “Nhiều nơi nói muốn ổn định để phát triển, không ổn định thì không có thời gian đâu mà bàn dự án, phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi không ngại kinh phí ngân sách khi người dân thấy được lợi ích sát sườn”.

Hơn nữa, trước đây ngân sách của tỉnh chi hết thì giờ chức danh trưởng công an xã do Bộ Công an lo. Trụ sở cũng dùng ở trụ sở chính quyền, trụ sở công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng chứ không có trụ sở riêng. Trang bị công cụ hỗ trợ là chính thì Bộ cũng chịu trách nhiệm. Do đó, theo ông Tô Lâm, kinh phí không phải gánh nặng lớn cho các địa phương.

“Nhiều tỉnh nói sẽ bảo đảm được hết, thậm chí đầu tư cho công an chính quy nữa, chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở, vừa rồi thấy trang bị cả xe máy, ô tô” – ông Tô Lâm chia sẻ thêm.

Về một số vấn đề khác, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện dự án luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Tô Lâm: Phải tăng cường hiệu quả quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở
Bộ trưởng Tô Lâm: Phải tăng cường hiệu quả quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh điều này khi thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sáng nay 20/6, tại Kỳ họp thứ 5.

Bộ trưởng Tô Lâm: Phải tăng cường hiệu quả quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở

Bộ trưởng Tô Lâm: Phải tăng cường hiệu quả quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh điều này khi thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sáng nay 20/6, tại Kỳ họp thứ 5.