Luật phòng chống rửa tiền:

Đảm bảo không xâm hại quyền công dân

Quyền cơ bản của công dân phải được tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và luật có liên quan.

Chiều 4/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền; Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Kiểm soát hoạt động rửa tiền bảo đảm không xâm hại quyền công dân

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo lần thứ 4 Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm 5 chương, 53 điều.

Báo cáo thẩm về dự án Luật của Uỷ ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền như Tờ trình của Chính phủ. Báo cáo cho rằng, tội rửa tiền đã được quy định trong bộ Luật Hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với bộ Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Việt Nam với các tổ chức quốc tế.

Về một số vấn đề Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến như phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật. Có hai dòng ý kiến: Ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật. Đề nghị lấy tên gọi của Luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”. Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định phòng, chống tài trợ khủng bố liên quan đến rửa tiền và với mức độ như vậy thì cũng chỉ nên có một vài điều khoản về phòng, chống tài trợ khủng bố.

Ý kiến thứ hai đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền”. Nếu chỉ quy định phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như dự án Luật là chưa đầy đủ.

Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành dòng ý kiến thứ hai với lập luận đã nêu. Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành loại ý kiến này. Tuy nhiên, do Luật Phòng, chống khủng bố được ban hành sau, để thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, trong Luật Phòng, chống rửa tiền cần có một điều quy định nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể do Luật Phòng, chống khủng bố quy định.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, cân nhắc chỉ luật hoá các cam kết mang tính nghĩa vụ bắt buộc, phù hợp với thực tế của Việt Nam. Trường hợp cần quy định khác với các Luật hiện hành thì cần kiến nghị sửa đổi các Luật đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về khái niệm “rửa tiền” (Điều 4), dự thảo Luật quy định các hành vi rửa tiền “là hành vi của tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Ủy ban Kinh tế đề nghị đối với những hành vi rửa tiền phải áp dụng biện pháp hình sự thì cần thực hiện theo quy định của Bộ Luật hình sự. Tội “rửa tiền” mới được bổ sung vào Bộ Luật hình sự (bổ sung năm 2009) đã tính đến chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền có thể quy định hành vi rửa tiền khác chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự mà được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc kinh tế.

Về cá nhân có ảnh hưởng chính trị, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, do vậy cần cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại. Liên quan đến quyền cơ bản của công dân, Ủy ban Kinh tế đề nghị việc kiểm soát có hiệu quả hoạt động rửa tiền là cần thiết song cần bảo đảm không xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và luật có liên quan.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định trong Luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, hoặc giao Thủ tướng Chính phủ quy định, thay vì giao Ngân hàng Nhà nước quy định.

Có nhiều ý kiến đề nghị  nên quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Bổ sung quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi rửa tiền đối với các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, hoạt động luật sư, công chứng...

Về Cơ quan phòng, chống rửa tiền, dự án Luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về Cơ quan phòng, chống rửa tiền như Dự án Luật là quá đơn giản, chưa khẳng định  rõ địa vị pháp lý (tính độc lập tương đối) của cơ quan này (theo yêu cầu của chuẩn mực quốc tế). Đề nghị cần bổ sung quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong Luật tương tự như quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính ...

Ủy ban Kinh tế tán thành đặt Cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối. Việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế, xử lý vi phạm- biện pháp chống rửa tiền.

Xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với sự phát triển KT-XH

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi giữ nguyên số chương là 17 chương và nâng số điều lên tổng số 273 điều (trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều).

Nội dung chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định như: hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; an toàn lao động và vệ sinh lao động; lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; một số chính sách đối với lao động nữ; thương lượng tập thể; trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và bảo vệ cán bộ công đoàn…

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định mới như: thỏa ước lao động tập thể ngành, mức lương tối thiểu ngành, không cho phép đình công về quyền, tạm thời đóng cửa doanh nghiệp, tăng thời giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản, quyền nghỉ hưu, cho thuê lại lao động, lao động giúp việc gia đình, lao động không trọn thời gian… Mức độ sửa đổi này cùng với đánh giá tác động từ các chính sách cho thấy những nội dung sửa đổi chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu đặt ra đối với việc thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như thực tiễn cuộc sống.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cần phải tiếp tục quan tâm theo hướng xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương và tiền lương tối thiểu; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương theo quan điểm là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước phải được thể hiện thông qua việc đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ cho tiền lương được thực hiện hợp lý, bình đẳng và công bằng; định kỳ công bố tiền lương tối thiểu nhằm xây dựng mức sàn tối thiểu bền vững để bảo vệ cho nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế, thị trường lao động  cần phải mở rộng đối tượng áp dụng hợp đồng lao động, bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng và bao quát được sự phát triển của thị trường lao động.

Thực tế những vướng mắc trong quan hệ lao động, đặc biệt là sự gia tăng tranh chấp lao động tập thể, đình công trong những năm qua, đòi hỏi phải có những quy định nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng thỏa ước lao động tập thể thực chất giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động (tổ chức công đoàn). Nhà nước vừa đóng vai trò quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi pháp luật, vừa đóng vai trò là bên thứ ba nhằm hỗ trợ, dẫn dắt quan hệ lao động hướng tới mục tiêu ổn định, hài hòa, tiến bộ.

Cũng trong chiều nay (4/11), Quốc hội cũng đã nghe 2 Dự án Luật khác là Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên