5 bài học kinh nghiệm từ công tác nhân sự khóa 12
VOV.VN - Tại Hội nghị của Ban Tuyên giáo, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 5 bài học này khi thông báo về kết quả Hội nghị Trung ương 12
Thông tin tại Hội nghị của Ban Tuyên giáo diễn ra ngày 27/5, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất với Bộ Chính trị về 5 bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác nhân sự khóa 12.
Ông Nguyễn Hồng Diên thông tin tại Hội nghị |
Thứ nhất, muốn làm tốt công tác nhân sự, trước hết phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, nguyên tắc định hướng và tư tưởng chỉ đạo về công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương; đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư cũng như sự lãnh đạo sâu sát của tiểu ban nhân sự của cấp ủy tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác nhân sự, phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác nhân sự và quán triệt những yêu cầu cơ bản của Trung ương, Bộ Chính trị, chắc chắn công tác nhân sự sẽ đạt kết quả.
Thứ hai, xây dựng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lựa chọn nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được xem là công việc rất hệ trọng, quyết định vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Vì vậy cần tiến hành khoa học, bài bản, chặt chẽ, thận trọng; đồng thời phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ.
Thứ ba, phải có quy chế quy định chặt chẽ, tổng thể, liên thông bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác nhân sự. Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy tổ chức đảng, của cơ quan tham mưu, của người đứng đầu và cá nhân liên quan trong công tác cán bộ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và phải kiểm soát được quyền lực trong công tác cán bộ.
Thứ tư, quá trình chuẩn bị và thực hiện công tác nhân sự phải tăng cường và đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư và người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng; phát huy dân chủ, giữ đúng nguyên tắc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đề cao sự gương mẫu và trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu, bảo đảm đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng, dân tộc lên trên hết. Đồng thời phải bám sát thực tiễn để có phương pháp lựa chọn nhân sự phù hợp, hiệu quả; xây dựng phương án nhân sự gắn liền với dự kiến điều động, luân chuyển, bố trí, phân công Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trước, trong và sau đại hội một cách hợp lý.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12 |
Thứ năm, đây là bài học được trung ương nhấn mạnh ở Hội nghị vừa qua. Đó là, với những công việc khó, phức tạp và nhạy cảm càng phải giữ nguyên tắc phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu và phải quyết định theo đa số. Càng khó càng phải phát huy dân chủ; càng phải bám sát và thực hiện nghiêm các quy định của điều lệ Đảng, quy định của pháp luật. Phải chủ động nắm chắc tình hình và dự báo trước những vấn đề có thể phát sinh đối với nhân sự để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Có thể có những nhân sự được nhiều tổ chức, cá nhân giới thiệu hoặc qua phát hiện nhân sự; qua giới thiệu đề cử thì thấy rất kinh nghiệm nhưng có thể có dư luận thì không thể bỏ qua, nhất là những dư luận có căn cứ, có dấu hiệu thì cũng cần thận trọng hơn; Hay có những nhân sự không có trong phương án mà đột nhiên xuất hiện trong phương án, lại được số đông giới thiệu cũng cần phải nghiên cứu xem xét.
Khi đó phải quay về nguyên tắc quy định thế nào thực hiện như thế; phát huy dân chủ nhưng phải giữ vững sự lãnh đạo tập trung, nhất là bản lĩnh, chính kiến của người đứng đầu để bảo đảm công tác nhân sự phải được thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Đảng./.