Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị ngành TN&MT tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Sáng nay 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Cùng dự có lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm qua, trong đó nhấn mạnh: Năm 2023 tập thể Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để triển khai linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được Bộ quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi), một trong những điểm nhấn nổi bật trong quá trình xây dựng là toàn Ngành đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân với đa dạng phương thức lấy ý kiến, tuyên truyền các điểm mới, thay đổi lớn trong dự thảo Luật đến mọi tầng, lớp Nhân dân. Đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Quá trình xây dựng Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò Chủ trì đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực cao, bám sát thực tiễn, kiên trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để tham mưu cho Chính phủ giải quyết các vấn đề khó trong dự thảo Luật, thể chế hóa các chủ trương của Đảng mà trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật đáp ứng điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Luật tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Cùng với đó, Bộ đã tích cực chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Trung ương giao đó là tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về công tác lập quy hoạch, Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia (08/08 quy hoạch), đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta. Quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Công tác chuyển đổi số xây dựng chính phủ điện tử; quản lý tài nguyên đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn Ngành đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước, những con số có thể minh họa rất rõ ràng. Đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha.

Thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện về hiệu quả, hiệu lực; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đạt những kết quả quan trọng. Bộ đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chủ động hội nhập toàn cầu về môi trường, khí hậu; tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung toàn cầu về giải quyết các thách thức thời đại như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa, suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái; nắm bắt các cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển. Bộ đã chuẩn bị chu đáo về nội dung, chương trình cho Đoàn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), tại đây, đã công bố Kế hoạch Huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG).

Bên cạnh việc chỉ ra những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu như công tác xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, cố gắng, tuy nhiên, việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chưa được kịp thời, chậm so với yêu cầu.

Về các nhiệm vụ và giải pháp năm 2024, Thủ tướng đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2024. Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của BCH Trung ương về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ-TW của Trung ương; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, các quy định của Đảng.

"Tôi đặc biệt lưu ý là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ của chúng ta có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, liên quan đến đất đai, liên quan đến tài nguyên, liên quan đến khoáng sản trong tình hình hiện nay. Xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành chúng ta để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững"- Thủ tướng nói. 

Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức. Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước mắt, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

 Đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới Luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, quan điểm phải phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm. Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tập trung chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai trong năm 2025 đáp ứng đúng tiến độ, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước; Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước; Hiện đại hóa, tăng dày mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó cần có các dự án, chương trình cụ thể, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.

Thủ tướng tin tưởng rằng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, ngành tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng
Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng

VOV.VN - Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng.

Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng

Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng

VOV.VN - Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng.

Bộ TN&MT trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án du lịch Hòn Tằm
Bộ TN&MT trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án du lịch Hòn Tằm

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định trả hồ sơ để công ty này nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Bộ TN&MT trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án du lịch Hòn Tằm

Bộ TN&MT trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án du lịch Hòn Tằm

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định trả hồ sơ để công ty này nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.