Bí thư chi bộ 8x giúp người dân bản Dao thoát nghèo
VOV.VN - Xưởng sản xuất mây tre đan của anh Chìu Văn Hiếng không chỉ thu lãi 200 triệu/năm mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân trong bản.
Ở vùng miền núi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (bản) không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đến với đồng bào dân tộc mà miệng nói, tay làm để bà con noi theo.
Bí thư chi bộ Chìu Văn Hiếng. |
Xưởng sản xuất mây tre đan của anh Chìu Văn Hiếng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pạc Sỉu, rộng hơn 200m2 nằm sâu trong thôn 3, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, một xã biên giới đặc biệt khó khăn với 96% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Sinh ra và lớn lên ở bản nghèo Pạc Sủi, thấm thía cái đói, cái rét của vùng đất biên thùy, Chìu Văn Hiếng luôn trăn trở đó là làm thế nào để bớt nghèo.
“Quả mây được Trung Quốc thu mua từ cách đây 40 năm, người dân vẫn đi lấy bán nhưng không nghĩ ra là để làm vòng trang sức. Đến năm 2018, tôi nghĩ mình có đi làm thuê mãi thì người nhà cũng không có việc ổn định. Tôi quyết định về tự mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho 25 đến 30 người với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng”, anh Hiếng nói.
Ban đầu chỉ có 100 triệu đồng đầu trong tay, Chìu Văn Hiếng đã vay mượn thêm, mạnh dạn mở xưởng sản xuất và đầu tư máy móc với số vốn hơn 1,3 tỷ đồng. Hợp tác xã Mây tre đan Quảng Sơn ra đời năm 2018 với sản phẩm là những chiếc vòng tay, vòng cổ làm từ hạt mây. Sau hơn một năm hoạt động, xưởng sản xuất cho lợi nhuận khoảng 200 triệu/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ hạt mây của anh Chìu Văn Hiếng giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 - 30 người với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. |
Chị Lỷ Thị Lan ở bản Pạc Sủi cho biết mặc dù gia đình vẫn còn thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng chị thấy vui và phấn khởi vì giờ đây đã có việc làm ổn định: “Gia đình tôi đã có hai cháu, nhưng thu nhập trung bình cũng chỉ vài chục nghìn một ngày. Từ khi được nhận vào làm xưởng của anh Hiếng sau khi được anh hướng dẫn làm thì thu nhập tăng lên hơn 100.000 đồng/ngày. Cuộc sống lúc trước chỉ đủ ăn, giờ thì cũng đã có một chút để dành”.
Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ của địa phương và một số xã lân cận từ việc thu hái quả mây rừng, anh Chìu Văn Hiếng còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thu hái quả mây theo hướng bền vững, để khai thác được lâu dài.
Anh Chìu Văn Hiếng quan niệm thật đơn giản: “Với vai trò là Bí thư chi bộ, trưởng thôn bản trẻ tuổi mình cũng phải đi đầu, làm gương cho thanh niên và người dân. Nói phải đi đôi với làm, phải làm thật thì người dân mới tin tưởng mình, nói mà không làm người dân sẽ không tin tưởng”.
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, Bí thư chi bộ 8x Chìu Vằn Hiếng còn thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Ông Tằng Vằn Voỏng, Phó chủ tịch xã Quảng Sơn cho biết: “Địa phương đang cố gắng hoàn thành chương trình 135 đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn của tỉnh trong năm 2019. Anh Hiếng là Bí thư chi bộ, đồng thời cũng là cán bộ trẻ có tầm nhìn, có ý thức tuyên truyền, giúp đỡ và chủ động đề nghị cấp trên đào tạo, hướng dẫn bà con tham gia sản xuất kỹ thuật cao, phấn đấu cho thôn, bản cũng như địa phương phát triển kinh tế”.
Anh Chìu Văn Hiếng (thứ 3 từ trái sang) được vinh danh tại là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2018. |
Đầu năm 2019, Chìu Văn Hiếng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh./.