Bước đột phá trong công tác thi hành kỷ luật, kiểm tra của Đảng
VOV.VN - Việc xử lý cán bộ công khai trong Đảng, trong xã hội là bước đột phá trong công tác thi hành kỷ luật, kiểm tra của Đảng.
Trao đổi với phóng viên VOV, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: cái được trong xử lý và đưa ra công khai trong Đảng, công khai trong toàn xã hội là bước đột phá trong công tác thi hành kỷ luật và giám sát, kiểm tra của Đảng.
hó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc |
PV: Thưa ông, nhìn lại Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra, ông đánh giá gì về những thành công Hội nghị đạt được?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Phần quan trọng đầu tiên đó là Trung ương đã thảo luận và quyết định thông qua 3 Nghị quyết về kinh tế. Đây là sự mong mỏi của toàn xã hội để làm kinh tế của Việt Nam bứt phá, tạo động lực mới cho sự phát triển. Tôi quan tâm đến 3 Nghị quyết đó, vì chúng đã xử lý và góp phần hạn chế tiêu cực của cả 3 lĩnh vực.
Thứ nhất, Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phải hoàn thiện để phù hợp với nhà nước pháp quyền. Nghị quyết này giúp xử lý mối quan hệ giữa chính sách kinh tế, thể chế kinh tế với vai trò của thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền.
Thứ hai, Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, làm sao cho thật sự là nòng cốt của kinh tế nhà nước và phát huy vài trò, hiệu quả của kinh tế nhà nước. Nhiều vụ việc vừa qua, trong đó có việc thi hành kỷ luật cán bộ tại Hội nghị Trung ương cũng đều liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước. Tôi mong doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện nay thật sự có vai trò chủ đạo và thoát ra được bao cấp.
Thứ ba, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục quan điểm Đại hội XII của Đảng, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, Hội nghị Trung ương 5 cụ thể và thúc đẩy kinh tế tư nhân hiện nay đóng góp gần 40% GDP. Theo tôi, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân phải được khuyến khích. Về mặt khách quan, kinh tế tư nhân còn phát triển và nhất định sẽ có nhiều đóng góp.
PV: Tại hội nghị lần này, Trung ương thảo luận đánh giá công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2016 nhưng lại gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Ông đánh giá gì về việc Trung ương bàn và quyết định về kỷ luật cán bộ?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Việc Hội nghị Trung ương 5 đánh giá toàn bộ công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2016 nhưng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là một điểm mới trong quy chế làm việc và lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, từ đó mới bàn quyết định kỷ luật cán bộ.
Việc Hội nghị Trung ương 5 đưa ra quyết định kỷ luật cán bộ thể hiện: tính nghiêm minh của kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và gắn với pháp luật nhà nước trong điều kiện nhà nước pháp quyền; tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa; tính xây dựng trong kỷ luật để góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thông qua kỷ luật làm cho các cán bộ lãnh đạo quản lý trước đây hay đang đương chức đều phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đất nước và nhân dân. Thông qua kỷ luật tạo ra nhận thức đúng về vai trò của kỷ luật làm sao cho Đảng mạnh lên cả về trình độ, năng lực, tư duy, tổ chức lãnh đạo, sức chiến đấu.
Đồng thời, thông qua kỷ luật góp phần vào sự đoàn kết trong Đảng, kỷ luật không phải để xử lý, vùi dập đồng chí của mình mà tạo hướng để người ta sửa chữa sai lầm, khuyết điểm đã mắc.
Theo tôi, đó là những cái được trong xử lý cán bộ và đưa ra công khai trong Đảng, trong toàn xã hội, có tác dụng tích cực và cũng là bước đột phá trong công tác thi hành kỷ luật và giám sát, kiểm tra của Đảng.
PV: Có thể thấy Hội nghị Trung ương lần này bàn về rất nhiều nội dung quan trọng. Ông có kỳ vọng gì ở các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Các Nghị quyết được ban hành với sự nhất trí cao trong Trung ương. Bộ Chính trị đã tự phê bình, kiểm điểm về xây dựng Đảng và cả vấn đề kinh tế. Hai vấn đề kinh tế và xây dựng Đảng quan hệ mật thiết với nhau. Bởi vậy cho nên sắp tới toàn Đảng và nhân dân hy vọng ở việc triển khai thực hiện, làm sao để đưa 3 Nghị quyết quan trọng đó vào cuộc sống.
Ở đây không nên hiểu triển khai Nghị quyết bằng cách triệu tập về học tập, cử cán bộ giới thiệu nội dung Nghị quyết có bao nhiêu vấn đề. Cái đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất mà xưa nay chúng ta vẫn làm. Từng địa phương, từng ngành phải quán triệt quan điểm trong Nghị quyết, tập trung chỉ đạo quyết liệt thì nhất định các Nghị quyết nhanh chóng được hiện thực hóa.
Về xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì rõ ràng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Địa phương tổ chức Đảng phải chủ thể kiểm tra thì mới có sức nặng, hiệu quả chứ không phải khoán kiểm tra, giám sát cho cơ quan kiểm tra thanh tra. Tôi kỳ vọng vào các quyết định của Hội nghị Trung ương 5 nhiều nhưng hướng tới phải hành động. Hành động trong Đảng, trong chính quyền để hiện thực hóa những tư tưởng lớn Hội nghị Trung ương 5./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.
Toàn văn Thông báo Hội nghị Trung ương 5 khoá XII