'Cán bộ phải có bản lĩnh, việc gì dân cần thì phải lên tiếng'
VOV.VN - Ông Trần Hoàng Thám: Cán bộ Mặt trận phải có trình độ, năng lực cần thiết, bản lĩnh, những việc gì cần thì phải nói. Chứ có những chuyện dân cần có ý kiến thì cán bộ không dám nói.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang được đưa ra lấy ý kiến và nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, đúng như dự thảo báo cáo Chính trị đã nhận định, nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 30 năm Đổi mới, nước ta có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, từ kinh tế 2 thành phần là Nhà nước và tập thể sang nền kinh tế đa thành phần.
PV: Nếu góp ý vào dự thảo Báo cáo Văn kiện lần này, vấn đề ông quan tâm nhất là gì, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Thám: Điều tôi quan tâm nhất là việc đổi mới về mặt Nhà nước, về thể chế chính trị chưa tương ứng với đổi mới về kinh tế. Hệ thống chính trị chậm đổi mới, không phải do Mặt trận hay Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, hay Nhà nước, Quốc hội mà là do nhận thức của Đảng ta về đổi mới chưa tương xứng với sự đổi mới về kinh tế. Hệ thống chính trị về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu về kinh tế.
Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM |
Theo tôi Đại hội lần này phải giải quyết được tổng thể về vấn đề chính trị, phải nhận thức cho đúng và định ra kế hoạch để thực hiện và tạo điều kiện cho hết khóa tới thì mới giải quyết được vấn đề đổi mới hệ thống chính trị. Nếu không làm được việc này, những khuyết điểm còn tồn tại, 4 nguy cơ sẽ nặng hơn.
Vậy theo hướng nào? Dự thảo Chính trị cũng đã thẳng thắn thừa nhận, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới. Điều này quá đúng và cũng đặt vấn đề từ lâu rồi. Vì thế cần phải đổi mới tư duy về việc này.
Đại hội lần này nên đặt vấn đề, việc gì giải quyết được vấn đề liên quan đến hệ thống chính trị thì nêu ra, không thì phải định hướng để trong 5 năm tới, Đảng vừa nghiên cứu vừa tổng kết lý luận để chuẩn bị cho khóa sau có cuộc đổi mới toàn diện. Tất nhiên những vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ, phải đặt vấn đề và phải làm, làm quyết liệt.
PV: Dự thảo Văn kiện lần này cũng đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phát huy được quyền dân chủ của nhân dân. Theo ông làm thế nào để làm được việc này?
Ông Trần Hoàng Thám: Theo tôi, những vấn đề nhận định trong dự thảo báo cáo Chính trị là hợp lòng dân. Bây giờ chỉ cần tạo ra những thiết chế như thế nào, trục vẫn là xây dựng Nhà nước dân chủ pháp quyền đủ mạnh thì mới có thể phát huy được dân chủ. Còn Nhà nước yếu kém thì không bao giờ phát huy được dân chủ. Tất nhiên trong đó phải có vấn đề vận động nhân dân để họ hiểu được quyền, lợi ích của mình. Những việc oan ức của nhân dân mà họ trình bày với Nhà nước, nếu Nhà nước đủ mạnh thì sẽ bảo hộ những việc này. Còn nếu Nhà nước không đủ mạnh thì sẽ không lắng nghe hoặc trả lời chậm.
Để xây dựng một Nhà nước mạnh là vấn đề lớn. Đưa vấn đề này vào Văn kiện rồi Đảng sẽ có những bộ máy tổ chức góp ý chuyên sâu, việc gì đang làm tốt thì giữ, việc gì chưa làm tốt thì cải tiến. Đây là như cầu cần thiết. Còn làm như thế nào, trước hết phải có quyết tâm chính trị, phải nhận thức đúng về việc này và Đại hội Đảng phải đặt ra. Rồi sau đó thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng thì tổ chức bộ máy để nghiên cứu.
PV: Thưa ông, một vấn đề được cho là mới trong dự thảo Văn kiện lần này là nhấn mạnh việc xây dựng đạo đức trong Đảng. Theo ông vì sao Đảng ta lại đặt ra bối vấn đề này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trần Hoàng Thám: Tôi nghĩ các nhà soạn thảo dự thảo Văn kiện Đại hội xem đây là vấn đề mới nhưng theo tôi vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng làm từ khi có Đảng tới bây giờ. Bởi vì mỗi khi có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng đều đặt vấn đề về đạo đức cán bộ. Đạo đức trong Đảng đã được Bác Hồ nói từ lâu rồi, bây giờ mình chỉ cần thấm nhuần lời Bác, hâm nóng lại vấn đề này.
PV: Thưa ông, dự thảo lần này cũng nhấn mạnh vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội… Vậy thưa ông làm thế nào để phát huy được vai trò của Mặt trận như dự thảo đã định hướng?
Ông Trần Hoàng Thám: Vai trò của Mặt trận đã được đưa vào Cương lĩnh đổi mới và Hiến pháp 2013. Vấn đề bây giờ là phải đầu tư đội ngũ cán bộ và tạo điều kiện cần thiết cho Mặt trận hoạt động. Để làm được những việc này, Đảng phải có kế hoạch, quyết định, Đảng phải hiểu, phải làm và phải nêu gương. Cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải hiểu, phải làm và phải nêu gương. Cán bộ đảng viên phải thấm nhuần việc này.
Thứ hai, Mặt trận phải mạnh, phải tự đổi mới vai trò, trách nhiệm của mình trên cơ sở Cương lĩnh, Hiến pháp 2013. Cán bộ Mặt trận phải có một trình độ, năng lực cần thiết, bản lĩnh, những việc gì cần thì phải nói. Chứ có những chuyện dân cần có ý kiến thì cán bộ không dám nói. Như thế làm sao phát huy được vai trò của Mặt trận.
Cho nên, để phát huy vai trò của Mặt trận phải từ hai phía, phía nào cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là từ Mặt trận và thái độ của Đảng đối với Mặt trận. Đối với phía Đảng, có Cương lĩnh, có Hiến pháp rồi, bây giờ chỉ còn hành xử của từng cấp ủy và cán bộ đảng viên.
PV: Xin cảm ơn ông./.