Công bằng xã hội là lợi ích không chỉ tập trung vào một nhóm người
VOV.VN - "Như Tổng Bí thư phát biểu, chúng ta cần một xã hội phát triển nhưng sự phát triển ấy không thể đưa lại lợi ích cho một nhóm, hay một số cá nhân, mà phải mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng".
Công bằng xã hội là một chủ trương lớn, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng. Xuyên suốt “sợi chỉ đỏ” của sự công bằng đó là mục tiêu “không bỏ ai ở lại phía sau”.
Nhưng trên thực tế, vẫn còn những luận điệu của thế lực thù địch phủ nhận qúa trình đi lên XHCN ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam tiếp tục phát triển đất nước theo con đường XHCN là một sự kéo lùi lịch sử, không tuân theo quy luật và việc đảm bảo công bằng xã hội ở Việt Nam khó thực hiện khi phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Hồ Trọng Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Trong quá trình đi lên XHCN, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến mục tiêu công bằng, một chủ trương lớn thể hiện bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thưa PGS.TS Hồ Trọng Hoài, nội hàm của chủ trương này bao gồm những vấn đề gì?
PGS.TS Hồ Trọng Hoài: Công bằng là một trong những giá trị lớn mà Đảng ta theo đuổi. Đây là một giá trị lớn mà nhân loại cũng đang theo đuổi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán và kiên trì thực hiện mục tiêu công bằng. Nội hàm của chủ trương này, mục tiêu này có nhiều khía cạnh, nhưng tôi nghĩ có 2-3 khía cạnh cơ bản.
Trước hết, Đảng ta chủ trương thực hiện công bằng xã hội tức là nhằm đảm bảo cho các thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của họ cho xã hội. Thứ hai, không chỉ đảm bảo sự tương xứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa đóng góp và hưởng thụ, mà công bằng còn được hiểu và được thực hiện như là tạo ra cơ hội bình đẳng cho các thành viên trong xã hội có thể tiếp cận được các cơ hội phát triển, các nguồn lực xã hội để mỗi cá nhân có thể phát triển.
Cùng với khía cạnh đó, công bằng xã hội mà Đảng ta theo đuổi còn bao hàm khía cạnh đảm bảo cho cuộc sống của mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người yếu thế, những nhóm xã hội có khó khăn, đảm bảo thực hiện an sinh xã hội, thực thi triết lý “không để ai bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn bộ phận cán bộ đảng viên, người dân dao động hoài nghi về mục tiêu của chúng ta hướng đến, về con đường chúng ta đang đi. Nhưng có một điều đã trở thành chân lý, đó là thực tiễn phải là tiêu chuẩn. Tôi nghĩ rằng, thông qua thực tiễn xây dựng phát triển đất nước, sớm hay muộn, người dân sẽ nhận ra và đồng tình với đường lối của Đảng và Nhà nước. Tôi xin nhấn mạnh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng cũng như chính sách và pháp luật của Nhà nước.
PV: Với những ý kiến lệch lạc rêu rao rằng, chúng ta đang đi vào con đường cụt, không có tương lai. Thậm chí có tư tưởng dao động đặt ra câu hỏi, liệu rằng chúng ta có nên tiếp tục còn đường đi lên XHCN không? Quan điểm của ông về những hoài nghi, lệch lạc này ra sao?
PGS.TS Hồ Trọng Hoài: Tôi nhận thấy trong lịch sử, trước những cái mới, cái tiến bộ, thường có một bộ phận không đồng tình, thậm chí chống đối. Họ phủ nhận CNXH, phủ nhận con đường đi lên CNXH, họ phủ nhận cách xử lý vấn đề công bằng xã hội của Đảng, Nhà nước ta, quan điểm của họ không có căn cứ; hay những căn cứ mà họ dựa vào là những căn cứ không điển hình, không phổ biến, họ không dám thừa nhận một thực tế rằng, xu hướng phát triển của lịch sử, của xã hội bao giờ cũng theo hướng đi lên, hướng về phía tiến bộ xã hội.
Không bao giờ các thế lực chống đối ngừng nghỉ các âm mưu, thủ đoạn hòng cản trở quá trình xây dựng phát triển đất nước theo con đường XHCN. Những luận điệu, luận điểm của các phần tử cực đoan, cơ hội đã bị dư luận rộng rãi lên án, phản bác, từ người lao động đến các trí thức, các nhà quản lý xã hội, càng ngày người ta càng nhận ra được những giá trị đích thực của CNXH. Tôi tin chắc nó sẽ trở thành động lực to lớn để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi lên.
PV: Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, xã hội XHCN là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Minh chứng cho khẳng định này chính là nỗ lực phòng chống, tiến tới đẩy lùi đại dịch toàn cầu Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta. Ông cắt nghĩa như thế nào về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta xuyên suốt từ trước đến nay và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với cuộc chiến chống dịch Covid-19?
PGS.TS Hồ Trọng Hoài: Cuối năm 2019, khi Covid-19 xuất hiện trên thế giới và sau đó trở thành đại dịch toàn cầu, quan sát chúng ta thấy thái độ, cách thức phòng chống đại dịch Covid ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau. Thái độ và cách xử lý vấn đề phản ánh không chỉ trình độ phát triển của các quốc gia mà nó còn phản ánh được bản chất của từng thể chế chính trị.
Mặc dù là quốc gia có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác nhưng Việt Nam vẫn đang nằm trong tốp các quốc gia đang phát triển, tiềm lực đất nước còn có hạn. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, đối mặt với đại dịch có nguy cơ đe dọa sự sống, sức khỏe của người dân Việt Nam, ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước ta đã hình thành triết lý chống Covid theo tôi là tiến bộ, đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội cho tất cả mọi người dân.
PV: Để thực hiện thành công chủ trương của Đảng về tiến bộ và công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đâu là những vấn đề mấu chốt cần quan tâm thực hiện, thưa ông?
PGS.TS Hồ Trọng Hoài: Theo quy luật cạnh tranh, kinh tế thị trường dễ dẫn đến tình trạng phân hóa xã hội, phân hóa giàu nghèo; đó cũng là mảnh đất dung dưỡng những biểu hiện tiêu cực khác, tạo nên những bất bình đẳng xã hội.
Chính vì vậy, để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, Đảng ta và đặc biệt trong phát biểu gần đây của Tổng Bí thư, chúng ta phải kiên trì, kiên quyết theo đuổi định hướng XHCN trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội cũng như đảm bảo các lĩnh vực xã hội khác.
Để cho một mục tiêu trở nên tốt đẹp, hiện thực hóa trong cuộc sống, phải thông qua hệ thống thể chế, chính sách, cơ chế cụ thể, thông qua những con người cụ thể. Những con người cụ thể ấy nếu tốt đẹp, thể chế hoàn hảo thì mục tiêu thực hiện tiến bộ công bằng xã hội của chúng ta từng bước sẽ được hiện thực hóa.
PV: Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ việc thực hiện công bằng xã hội là không để ai bị bỏ lại phía sau. Mục tiêu này đã, đang được Chính phủ quyết liệt triển khai, nhưng khó khăn ở phía trước chắc chắn không hề nhỏ. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm thế nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam công bằng, do nhân dân, của nhân dân và vì nhân dân như mục tiêu đã đề ra?
PGS.TS Hồ Trọng Hoài: Theo tôi, cần thiết phải tiến hành một tổ hợp các giải pháp đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tức là phải tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình phát triển, phải quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá và các nhiệm vụ khác được thể hiện rất đầy đủ trong 10 chủ trương, biện pháp, phương hướng phát triển đất nước của Văn kiện Đại hội XIII.
Một điểm nữa là phải quan tâm đến các giải pháp trụ cột, tạo nên bản chất của chế độ ta, một trong những giá trị đó là công bằng xã hội phải được từng bước thực hiện ngày càng tốt hơn. Để đảm bảo công bằng xã hội, như Tổng Bí thư đã đề cập, sự nghiệp xây dựng CNXH của chúng ta là vô cùng vĩ đại, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, dứt khoát phải có lộ trình, có bước đi thích hợp và phải kết hợp việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội với phát triển kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Bởi nếu không phát triển kinh tế sẽ không có cơ sở để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Bên cạnh phát triển kinh tế, cũng phải lưu ý, như Tổng Bí thư phát biểu, chúng ta cần một xã hội phát triển nhưng sự phát triển ấy không thể đưa lại lợi ích cho một nhóm, hay một số cá nhân, mà phải mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng; chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết chứ không phải tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, “ông to áp bức, đè nén ông nhỏ”. Tức là, chúng ta cần một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân chứ không phải nhà nước ấy là công cụ để mưu lợi cho một bộ phận nào đó trong xã hội.
Theo tôi, đó là những vấn đề rất cần thiết. Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định, để thực hiện những điều đó phải kiên định 4 vấn đề: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; Đường lối đổi mới và các nguyên tắc trong đường lối xây dựng Đảng.
PV: Xin cảm ơn ông./.