Đại biểu Quốc hội: 'Cán bộ phải không tham vọng, say sưa quyền lực'
VOV.VN -Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cán bộ nói phải đi đôi với làm, không tham vọng hay say sưa quyền lực, trong thực hiện không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên...
Thảo luận tại đoàn về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sáng 23/10, đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng Báo cáo chính trị thể hiện khá đầy đủ và toàn diện, nguyên nhân chủ yếu của tất cả mọi vấn đề là con người và công tác tổ chức lại chưa được đề cập một cách sâu sắc.
Theo đại biểu, tất cả từ nhận thức, phương thức tổ chức đến phương thức lãnh đạo và những cái đạt được và hạn chế đều gói gọn trong nguyên nhân con người và công tác tổ chức. Đại hội XI của Đảng nói đây là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, nhưng báo cáo chính trị trình Đại hội XII tới đây lại chẻ ra.
“Báo cáo đánh giá đầy đủ, chu đáo về công tác cán bộ, như nói một bộ phận cán bộ y đức chưa tốt, nhiều biểu hiện xấu gây bức xúc trong nhân dân, hay một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu... Đánh giá này là chính xác và khách quan nhưng hai cái đó chính là một. Đạo đức xã hội biểu hiện xuống cấp, xảy ra trọng án hết sức nghiêm trọng là về mặt xã hội nhưng gắn vào công chức, viên chức thấy có vấn đề”, ông Chu Sơn Hà nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội |
Cũng theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự.
Chỉ ra 4 việc liên quan công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục- đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Chu Sơn Hà nhấn mạnh phải quan tâm đạo đức và phẩm chất , tức cái “tâm” trước tiên bởi cái “tầm” chưa đạt thì đạo tạo. Cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.
“Nếu làm được 4 giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt, từ đó hiệu quả hoạt động của bộ máy nâng cao, như các cụ nói muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân. Trước hết coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn, như đưa viên gạch vào đúng nơi của nó thì mới bền vững”, đại biểu Chu Sơn Hà nêu ý kiến.
Đánh giá Báo cáo chính trị đề ra phương hướng về phòng, chống tham nhũng khá đầy đủ, nhưng theo ông Chu Sơn Hà, điều quan trọng nhất để bảo đảm phòng chống tốt nhất là kiểm soát và tiến tới xoá bỏ xã hội tiền mặt. Bởi hiện nay tiêu tiền mặt là chủ yếu nên không kiểm soát được thu nhập, nguồn thu khác, là cơ hội cho tham nhũng và tiêu cực xảy ra.
Đại biểu Chu Sơn Hà nói: “Vừa qua thực hiện trả lương cho cán bộ công nhân viên chức chuyển qua tài khoản, nhưng khoản đó rất nhỏ, còn khoản khác lớn hơn không kiểm soát được dẫn đến tham nhũng tràn lan và phức tạp. Ta đã làm được một số việc về xoá đô la hoá, ổn định thị trường vàng nên việc kiểm soát tiền mặt phải đặt cho nhiệm kỳ này, các nước cũng làm thế thôi. Còn cải cách bộ máy này khác là không cơ bản trong phòng, chống tham nhũng”.
Cũng nhấn mạnh yếu tố con người, đặc biệt là những cán bộ được đề bạt vào những vị trí chủ chốt, đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho biết, cử tri mong muốn làm sao đó phải là những người “vừa hồng vừa chuyên” như lời Hồ Chủ tịch.
“Con người không tốt là hỏng hết. Cán bộ nói phải đi đôi với làm, không tham vọng hay say sưa quyền lực, trong thực hiện không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên mà phải đặt trong lợi ích chung của đất nước”, đại biểu Hùng nói.
Dẫn thực tế vừa qua có những quyết định cứ tưởng chỉ giải quyết riêng cho ngành, lĩnh vực mà không nghĩ cho cả đất nước, bởi từ chính sách riêng đó lại ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ cái khác, đại biểu Hùng nói: “Ta cứ nói giải quyết một vấn đề nhưng vĩ mô bao hàm rất nhiều. Có ngành qua báo chí đánh bóng, che đậy hay tuyên truyền một phía. Cá nhân này vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt thì nguy hiểm lắm, nó không thực chất, kéo dài yếu kém, khiếm khuyết”./.