Để chữa căn bệnh suy thoái đạo đức cần có “bàn tay sắt”
VOV.VN - Theo ông Vũ Mão, muốn kiểm soát được quyền lực cần có bàn tay sắt, kỷ luật nghiêm từ Trung ương trở xuống
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức” được đưa ra ở nhiều hội nghị, nhưng “điểm tên chỉ mặt” bộ phận này vẫn là một “bài toán khó”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra phần lớn những nguyên nhân chủ quan khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, trong đó thừa nhận việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới". Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ…
Trao đổi về nội dung này, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng để “chữa trị” bằng được “căn bệnh suy thoái” phải cần có “bàn tay sắt”, kỷ luật nghiêm từ trung ương trở xuống. Ở đâu có dư luận xã hội, cần lập tức làm rõ đồng thời phải công khai, minh bạch kết quả.
Ông Vũ Mão: Cần một "bàn tay sắt" để kiểm soát quyền lực |
Kiểm soát quyền lực là vấn đề cực kỳ quan trọng
PV: Sau 5 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ông đánh giá như thế nào về những việc đã làm và chưa làm được, được đề ra trong Nghị quyết?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, những việc làm được chưa nhiều, việc chưa làm được còn nhiều. Nếu làm được nhiều việc thì chuyển biến của xã hội, lòng tin của người dân với Đảng sẽ cao hơn rất nhiều.
Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng, nhưng thực tế thời gian qua chúng ta nói nhiều mà làm được ít. Thực trạng đó liệu chúng ta có dám nhìn thằng để mổ xẻ, phanh phui vấn đề rồi sửa chữa? Vì vậy việc triển khai Nghị quyết TƯ 4 khóa XI chúng ta cũng làm được chưa nhiều. Đó là một bài học.
Ở Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, các vấn đề được nêu ra khá căn cơ nhưng theo tôi vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đi sâu hơn nữa. Cụ thể là vấn đề kiểm soát quyền lực, tuy nhiên Nghị quyết vẫn chưa nêu được cụ thể phải kiểm soát quyền lực như thế nào.
Kiểm soát quyền lực là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tham nhũng cũng xuất phát từ quyền lực, người có quyền lực mới có điều kiện để tham nhũng, hạch sách nhưng có ai dám phê bình những người có quyền lực. Theo tôi đó là lỗ hổng rất lớn.
PV: Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết TƯ4 khóa XII. Ông bình luận gì khi Đảng nhấn mạnh vấn đề này trong tình hình hiện nay?
Ông Vũ Mão: Thể chế của chúng ta khác với nhiều nước, chúng ta chỉ có một Đảng. Vấn đề theo tôi nằm ở chỗ phải phát huy dân chủ hơn nữa, trước hết là dân chủ với người dân. Tạo cơ chế, điều kiện bằng những văn bản pháp luật để người dân được tham gia vào những công việc của đất nước. Chúng ta vừa thông qua Luật Trưng cầu ý dân, nhưng cần phải đưa luật vào thực thi, những vấn đề người dân quan tâm phải được trưng cầu ý dân, ở những cấp độ khác nhau, ở những hoàn cảnh cụ thể. Người dân là chủ đất nước, nên ý thức của họ là xây dựng đất nước. Vì vậy phải tin dân, đã tin là phải bàn với dân, lấy ý kiến của họ nhiều hơn. Để làm được điều đó, phải day dứt nhiều hơn nữa, sâu sát hơn nữa để đổi mới Đảng.
PV: Trong Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, Đảng ta đã chỉ rõ những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Theo ông những nội dung Đảng chỉ ra đã phản ánh được hết thực trạng đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức hiện nay hay chưa?
Ông Vũ Mão: Trong Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, Đảng ta đã nhìn thấy được vấn đề của sự suy thoái nhưng những giải pháp để giải quyết suy thoái theo tôi cần phải đi sâu hơn nữa. Chúng ta cũng đã phân tích và thấy rõ lâu nay vấn đề quyền lực chưa kiểm soát được, tư duy nhiệm kỳ còn quá lớn, người ta tận dụng tối đa chức quyền, từ đó mới dẫn tới vi phạm.
Tình trạng tự diễn biến, tự suy thoái trong cán bộ đảng viên, theo tôi thực chất là từ lãnh đạo các cấp, chứ không nói đảng viên chung chung. Dư luận người dân ở các địa phương rất nhiều, đụng ở đâu ở đó có chuyện. Tôi nói điều đó ra để chúng ta xem xét, sửa đổi, nhằm đảm bảo sức mạnh của Đảng. Sức mạnh của Đảng nằm ở sự gương mẫu, phấn đấu của mỗi cán bộ đảng viên, từ cấp cao xuống dưới cơ sở.
Nghị quyết TƯ 4 lần này đã chỉ ra những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên, nhưng cần phải có những giải pháp sâu hơn và phải làm quyết liệt hơn, nếu không sẽ lại quay trở về Nghị quyết TƯ 4 cách đây 5 năm: Nghị quyết rất hay, người dân rất mong chờ nhưng hiệu quả thấp.
Làm tới nơi tới chốn, không làm nửa vời
PV: Trong xây dựng Đảng, việc xây dựng đạo đức trong Đảng cũng đã nhiều lần được đề cập. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, theo ông cần những giải pháp cụ thể nào?
Ông Vũ Mão: Trước hết phải tổ chức để kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm. Việc triển khai Nghị quyết TƯ 4 lần này cần phải làm cho rõ, nhưng quan trọng phải chỉ rõ khuyết điểm của Đảng ta hiện là gì, ở trung ương là gì, ở địa phương, cơ sở là gì. Những khuyết điểm, kiểm điểm cần được công khai minh bạch. Có dư luận ở cấp ủy, chính quyền của địa phương thì phải làm rõ xem dư luận đó có đúng không. Hay như những vụ việc mà chúng ta đang làm cũng phải làm tới nơi tới chốn, để rõ trách nhiệm, tuyệt đối không làm nửa vời.
Ví như vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương là vụ việc rất cụ thể. Giải quyết vụ việc này rất công phu, rất đụng chạm nhưng vì lợi ích của Đảng, của dân tộc thì phải làm. Ngoài vụ việc này còn rất nhiều những vụ việc khác nữa mà dư luận vẫn đang chờ đợi. Quyết tâm biến lời nói thành hiện thực phải được nhìn thấy từ trên Trung ương.
PV: Theo ông cần có giải pháp cụ thể như thế nào để ngăn chặn tình trạng tự suy thoái, tự diễn biến trong cán bộ hiện nay?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, mỗi người tính tự giác chỉ có mức độ, không thể kêu gọi phê bình và tự phê bình, đa số người ta nể nang, sợ khuyết điểm. Vì vậy, Nghị quyết đề ra phải kiểm soát quyền lực là đúng. Ở cấp nào cũng vậy, có quyền lực người ta sẽ dễ lợi dụng quyền lực.
Để kiểm soát quyền lực, theo tôi phải làm rất cụ thể, cần thiết phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân. Kiểm soát quyền lực chính là để chống suy thoái trong cán bộ đảng viên. Biểu hiện cao nhất của sự suy thoái là lòng tham. Con người ai cũng tham, ai cũng khát khao mong muốn có thêm tiền của, vật chất, như vậy, người có quyền lực sẽ tận dụng để thực hiện khát khao của họ. Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát tài sản của người có chức quyền.
Trong tình hình hiện nay, theo tôi muốn làm được phải có bàn tay sắt, kỷ luật nghiêm. Bàn tay sắt của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, trước hết những đồng chí đó phải gương mẫu. Những vấn đề có dư luận xã hội, cần phải làm rõ, minh bạch công khai.
Kiểm soát quyền lực để chống sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên
Để kiểm soát quyền lực, cần lưu ý những vấn đề sau:
Trước hết phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lãnh đạo có trách nhiệm, đồng thời phải công khai, minh bạch. Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trước nhân dân, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Khẩu hiệu đó rất hay, nhưng thực hiện thế nào? Chưa có cơ chế pháp luật để thực hiện vấn đề này. Theo tôi cần phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng, Đảng lãnh đạo như thế nào cho hiệu quả. Hiến pháp quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ quyền hạn, trong Điều lệ Đảng cũng cần quy định rõ BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ hai, phải hoàn thiện, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó đặc biệt là vấn đề kê khai tài sản. Có thể nói hiện nay vấn đề kê khai tài sản chưa đạt hiệu quả người ta cứ kê khai nhưng không ai giám sát, kiểm tra kết quả kê khai đó. Điều đó dễ dẫn tới tham nhũng, người tham nhũng không biết sợ, vẫn cứ nhởn nhơ. Công chức cán bộ giờ rất nhiều người giàu, nhưng sự giàu có của họ đến từ đâu không ai kiểm soát, dư luận nhân dân rất bức xúc về thực tế này.
Bên cạnh đó, theo tôi, cần phát huy hơn nữa vai trò và tổ chức của Quốc hội, đặc biệt thông qua hoạt động chất vấn. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng, thực hiện kiểm tra, giám sát quyền của các Bộ trưởng, của Chính phủ. Đó cũng chính là kiểm soát quyền lực.
Để làm tốt điều đó, phải tổ chức chất vấn sao cho có chất lượng. Thực tế, hoạt động chất vấn của Quốc hội được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Điều đó có nghĩa là vấn đề kiểm soát quyền lực chúng ta thực hiện chưa hiệu quả, chưa quy được trách nhiệm cho những người có trách nhiệm và cũng chưa làm rõ được nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.
Muốn kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng phải đi vào những việc rất cụ thể, đặc biệt ở tầm vĩ mô. Quốc hội phải được tạo điều kiện và phải phát huy, làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, sẽ trở thành tấm gương cho Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan khác làm theo. Từng có ý kiến nói rằng không cần đến HĐND, do vai trò của HĐND còn mờ nhạt, theo tôi đó là do HĐND không được tạo điều kiện để phát huy vai trò của mình. Nhưng cũng phải thừa nhận bản thân HĐND cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, Quốc hội cũng vậy.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh để kiểm soát quyền lực