Góp ý ĐH Đảng: 'Dân thường xuyên đối mặt với tình trạng nhũng nhiễu'
VOV.VN - Ông Nguyễn Phú Bình: Người dân đang phải đối mặt hàng ngày với tình trạng nhũng nhiễu. Tham nhũng thực ra không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bằng tình trạng nhũng nhiễu.
Quan tâm đến vấn đề phòng chống tham nhũng được nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, vấn đề này từ lâu đã nói rất nhiều, trong dự thảo lần này cũng đề cập tới nhưng tình trạng tham nhũng không giảm. “Việc nêu cứ nêu và chống cứ chống nhưng nhưng phát hiện vụ sau bao giờ cũng to hơn vụ trước”.
Dân phải đối mặt hàng ngày với bệnh nhũng nhiễu
Ông Nguyễn Phú Bình cho rằng, thực ra người dân đang phải đối mặt hàng ngày với tình trạng nhũng nhiễu hơn tham nhũng. Còn tham nhũng thì phanh phui được vụ nào thì mọi người đều phấn khởi nhưng thực ra không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bằng tình trạng nhũng nhiễu.
“Khi người dân đi xin con dấu, đó là quyền của họ nhưng đến cơ quan phường, xã lại không cấp. Họ lấy đủ lý do hôm thì Chủ tịch đi vắng, mai lại người giữ dấu không có mặt, nhưng khi có một cái phong bì nhỏ là lại đâu vào đấy. Lâu nay các văn bản kể cả văn kiện cũng chỉ nói đến việc tham nhũng ở những người có chức có quyền, nhưng thực tế một ông bảo vệ hay một cô văn thư là cũng có thể “làm tiền” được. Tôi đã va chạm rất nhiều hiện tượng này. Trong Văn kiện có nói là tham nhũng vặt, nhưng đúng hơn là nhũng nhiễu, cần cần phải đề cập đến cả việc nhũng nhiễu”- ông Nguyễn Phú Bình nói.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, |
Theo ông Nguyễn Phú Bình, hiện nay ta đang kêu gọi chống lãng phí nhưng một tình trạng nữa đang khá phổ biến hiện nay bệnh phô trương, hình thức. Bệnh này tốn tiền ghê gớm, tốn không kém tham nhũng, mà lại không ai chịu trách nhiệm. Tham nhũng thì có thể tìm ra đối tượng để trừng phạt, nhưng lãng phí thì chả ai phạt ai. Tình trạng này xảy ra trong tất cả trong các bộ máy.
“Chúng tôi làm công tác đối ngoại phục vụ các đoàn trong nước sang, thường là đoàn của ta rất đông, gấp 3 lần đoàn các nước ASEAN. Có đoàn đi rất đông và nhiều người đi không làm việc gì. Chúng tôi thấy hơi lãng phí. Tôi nghĩ mình không giàu hơn họ, còn nghèo hơn rất nhiều nhưng lại rất lãng phí. Cho nên bệnh phô trương, hình thức, lãng phí nên phải xem xét”- ông Bình nói.
Theo ông Nguyễn Phú Bình, một bệnh nữa là bệnh giả dối và tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, các văn bản bấy lâu nay hay hướng vào người cầm quyền, lãnh đạo, phải làm thế nào để dân có trách nhiệm vào việc thực hiện luật pháp. “Nên chăng một số tội ngày trước còn “ngại” xử lý hình sự thì nay nên đưa vào để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp. Chẳng hạn có người sử dụng bằng giả, việc này là phải hình sự vì đó là tội nói dối Nhà nước, vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ cứ xử lý nghiêm thì những vấn đề tiêu cực sẽ bớt đi. Như việc làm hàng giả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng con người mà chỉ xử lý hành chính thì không ổn, phải hình sự hóa những vụ việc có tính chất gian dối như vậy”.
Hội nhập đem lại nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức
Ông Nguyễn Phú Bình cũng cho rằng, năm nay là năm rất đặc biệt và năm 2016 sẽ diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XII và sẽ thực hiện sâu rộng hơn việc hội nhập với thế giới, nhất là trong bối cảnh vừa thông qua hiệp định thương mại TPP, tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU, với nhiều đối tác khác... Hội nhập mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức. Nếu đặt mạnh việc hội nhập thì toàn Đảng và các ban, ngành, doanh nghiệp phải ý thức được mình cần phải làm gì.
“Chúng ta thấy trước, khi hội nhập sẽ rất nhiều vấn đề nội bộ phải điều chỉnh. Khi chúng ta có những nội luật nhưng lại vênh với cam kết quốc tế thì phải tuân theo cam kết quốc tế, có nghĩa có rất nhiều việc chúng ta phải sửa đổi. Nếu chúng ta không ý thức được và có chủ trương cho việc này thì trước hết các cơ quan hoạch định chính sách sẽ làm không kịp thời và sau này sẽ rất lúng túng giữa việc nội bộ với bên ngoài”- ông Bình trăn trở.
Mô hình "Một cửa liên thông" ở thành phố Ninh Bình. (Ảnh minh họa: website Ninh Bình) |
Liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình cho rằng, văn kiện nên giữ lại nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Nội dung cơ bản phải bao quát được cả 3 nội dung: Một là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Thứ hai là nguồn lực và thứ 3 là vai trò cầu nối để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước.
Ông Bình cho biết, đa số bà con Việt Nam ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc nhưng có một bộ phận chưa gần gũi với đất nước, họ còn nhiều ý kiến. “Tất nhiên các ý kiến chống đối, phản đối giảm đi khi quan hệ nữa Việt Nam với nước họ đang sinh sống tốt ngày càng tốt lên, sự phát triển trong nước cũng tốt lên, nhưng chúng ta vẫn phải chủ động. Chúng ta phải làm sao để chủ động hơn nữa cho khối đại đoàn kết dân tộc. Có một số việc cần quan tâm là lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài, quyền lợi của họ”.
Theo ông Nguyễ Phú Bình, trong văn kiện có nói là xóa bỏ rào cản giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, tuy nhiên hiện nay vẫn có nhiều rào cản, cả về pháp lý và suy nghĩ vẫn còn. Cần phải có những hành động cụ thể để bà con Việt kiều hiểu được, đặc biệt là những người có quốc tịch Việt Nam hiểu rằng họ có quyền như đồng bào trong nước.
Đẩy mạnh học nghề, đừng loay hoay mãi với giáo dục Đại học
Trăn trở về vấn đề trọng dụng nhân tài, nhất là trí thức người Việt ở nước ngoài, ông Bình cho rằng, dù hiện nay tình hình có nhiều thay đổi, nhưng cũng nên học tập Bác Hồ về cách trọng dụng người tài. Bác sang pháp năm 1946 và mời theo nhiều trí thức về đặt vào những vị trí rất cao trong Chính phủ. Bây giờ có nhiều cách tuyển chọn khác, nhưng nên có một cánh cửa, một vài người tài về nước thì nhiều người khác sẽ về. “Tôi nghĩ là chưa thực hiện được cũng phải tính đến việc này. Sau khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, có rất nhiều luật ra đời nhưng vẫn hết sức dè dặt, khi thông qua xong vài năm sau lại phải sửa. Tư duy của những người làm chính sách vẫn còn bó hẹp, cần phải mở ra điều này”.
Ông Bình kể câu chuyện cách đây mấy năm ông sang Đức và gặp bà đặc phái viên của Thủ tướng về di dân và định cư. Bà đặc phái viên có nêu ra câu hỏi tại sao đa số người Việt ở Đức không thích cho con em đi học nghề mà chỉ thích đi học Đại học mặc dù Đức mở ra rất nhiều ưu đãi. “Tôi trả lời có lẽ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi truyền thống nho giáo trọng việc học. Nhưng trên thực tế, Việt Nam hơi nặng về đào tạo Đại học. Một người Nhật có nói với tôi khi Nhật bắt đầu phát triển không vội sáng tạo mà chủ yếu là bắt chước, đào tạo đội ngũ công nhân, thợ chỉ làm đúng công việc như thế, không làm việc gì khác. Còn bộ phận sáng tạo phát triển là rất nhỏ. Chúng tôi cũng đến thăm Nhà máy điện hạt nhân, một tổ máy có 3 kíp trực, mỗi kíp 7-8 người, mà họ chủ yếu có trình độ cao đẳng, học nghề. Họ chủ yếu làm việc thiên về thao tác, chứ không cần phải kỹ sư, tiến sỹ nhưng lương rất cao. Tôi nêu ví dụ để chúng ta cân nhắc, chúng ta cứ loay hoay mãi về việc giáo dục Đại học, phổ thông, nhưng làm sao phải đẩy mạnh việc học nghề và phải có chính sách đãi ngộ những người học nghề, làm nghề. Nếu làm tốt việc này thu hút được nhiều người tham gia hơn”./.