Khắc phục tình trạng “im lặng” từ các buổi sinh hoạt chi bộ
VOV.VN - Khắc phục tình trạng “im lặng” từ các buổi sinh hoạt chi bộ, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp
Trong bài trước, phóng viên VOV đã đề cập thực trạng nhiều buổi sinh hoạt chi bộ rơi vào im lặng khi các đảng viên chưa thể hiện rõ trách nhiệm đảng viên, không tham gia phát biểu ý kiến. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính chiến đấu của Đảng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chi bộ - hạt nhân chính trị ở cơ sở, và hơn hết là khắc phục tình trạng “im lặng” từ các buổi sinh hoạt chi bộ, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp trong đó đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ Đảng là yêu cầu cấp thiết.
Năm 2001, buôn Kom Leo chưa có tổ chức cơ sở Đảng, buôn cũng là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự của xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột khi có nhiều người tham gia biểu tình, gây rối.
Từ một điểm nóng về an ninh trật tự, đến nay, Kom Leo có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản. Đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thành quả này được đánh giá có sự chỉ đạo, điều hành sâu sát ngay từ cơ sở, trong đó phải kể đến vai trò nòng cốt của việc xây dựng chi bộ đảng. Cuối năm 2001, chi bộ buôn Kom Leo được thành lập. Tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của Buôn chỉ có 5 đảng viên, đều được điều chuyển từ nơi khác về.
Những đảng viên làm kinh tế giỏi trở thành tấm gương để các chi bộ triển khai, nhận rộng tại địa phương |
Để chi bộ hoạt động hiệu quả, Đảng ủy xã, Thành ủy và Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức các đoàn về tham dự, hướng dẫn chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt. Đến nay, chi bộ buôn Kom Leo đã có 17 đảng viên. Điểm đáng chú ý, trong mỗi buổi sinh hoạt, chi bộ đều chia nội dung thành hai phần, phần đầu là sinh hoạt chung, chi bộ mời Ban tự quản thôn tham dự để lắng nghe những ý kiến của Ban tự quản và kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của bà con. Phần hai mới sinh hoạt chuyên môn của chi bộ.
Ông Quách Bình, Bí thư chi bộ buôn Kom Leo cho biết: “Sau những buổi sinh hoạt như vậy, chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm. Sự góp ý của các đồng chí trực thuộc đảng bộ, góp ý của Ban Tổ chức thành ủy và quan trọng nhất là góp ý của Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy và từ đó thấy được những gì mình chưa làm được. Được sự quan tâm của trên cũng như từ khi mình thực hiện Nghị Quyết 10 và 12 của Tỉnh ủy và một số văn bản của thành phố về vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn buôn thì chúng tôi thực hiện theo đúng tinh thần đó, đến nay chi bộ buôn Kom Leo hàng năm đều đạt trong sạch, vững mạnh”.
Những con đường hoa đang dần được hình thành từ Nghị quyết của Chi bộ thôn Cư H'lăm |
Chi bộ thôn Cư H’lăm cũng là một điểm sáng trong đổi mới sinh hoạt chi bộ cơ sở của Đảng ủy thị trấn Ea Pok, huyện Cư M’gar. Cùng với việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì một yếu tố tạo nên thành công chính là nêu cao trách nhiệm của mỗi đảng viên, yêu cầu “Nói thì phải làm, làm thì phải tốt". Nhờ sự đồng thuận của đảng viên và nhân dân mà nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế của thôn đạt và vượt kế hoạch, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2017-2018, người dân trong thôn đã hiến đất, góp công và đóng góp 2,4 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Bùi Bạch Tâm, Bí thư chi bộ thôn Cư H’Lăm cho biết: “Chi bộ phân công, một đảng viên phụ trách từ 5 hộ đến 7 hộ, nên việc vận động tham gia các phong trào được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Cũng nhờ sự đầu tàu gương mẫu của đảng viên đi đầu trong làm đường nông thôn, đường hoa, xây dựng gia đình văn hóa nên làm việc gì đều nhận được sự đồng thuận của dân”.
Xác định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là điểm cốt yếu để tăng sức mạnh của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch 32-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, yêu cầu thành lập các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, buôn. Trong 2 năm 2017 và 2018, các đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy đã dự sinh hoạt định kỳ với 50 chi bộ trên địa bàn tỉnh. Các Thành ủy, Huyện ủy, Thị ủy, cũng đã phân công các cán bộ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách địa bàn và thành lập các đoàn tham dự sinh hoạt với chi bộ thôn, buôn tại các địa bàn trọng điểm, các xã vùng sâu, vùng xa…
Ông Trần Vũ Cường, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Buôn Ma Thuột cho biết, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Kế hoạch số 32 đã thật sự tạo ra làn gió mới trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
“Sau khi thực hiện Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động chi bộ của thôn buôn, tổ dân phố thì một số thôn buôn, tổ dân phố, đặc biệt một số buôn chất lượng sinh hoạt rất tốt, các khu dân cư văn hóa ngày càng có bước phát triển về mặt đời sống, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt đối với những buôn có tinh hình chính trị an ninh phức tạp thì trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các chi bộ thôn buôn,tổ dân phố đã đi vào hoạt động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn các thôn buôn. Đem lại hiệu quả thiết thực trong vấn đề nâng cao đời sống người dân”, ông Cường cho biết thêm.
Qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã giúp chất lượng sinh hoạt của chi bộ nâng lên rõ rệt. Kết quả này được thể hiện qua tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 26 chi bộ yếu kém được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk theo dõi trong quá trình đi sinh hoạt cùng, đến nay đã có 7 chi bộ chất lượng sinh hoạt đảm bảo yêu cầu; trong sinh hoạt đã phát huy được 3 tính chất đó là tính giáo dục, tính chiến đấu và tính lãnh đạo; 4 chi bộ tổ chức sinh hoạt đạt loại khá....
Ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, những chi bộ điểm này sẽ là những hạt nhân tốt để Tỉnh ủy Đắk Lắk nhân lên.
“Đối với những chi bộ có chất lượng sinh hoạt tốt cũng là những tấm gương tác động rất lớn đến quá trình sinh hoạt chi bộ của các chi bộ ở các địa phương khác. Thông qua đó Thường trực Tỉnh ủy rồi các Đảng bộ trực thuộc xem mô hình đó cho các chi bộ khác học tập theo. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc cũng có chủ trương, biện pháp để làm sao bồi dưỡng thêm những phương thức sinh hoạt chi bộ để nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt cũng như tiếp tục cử các đoàn, các csn bộ phụ trách các địa bàn xuống để dự trực tiếp sinh hoạt tại cơ sở để giúp cho chi bộ có cách sinh hoạt đúng để tránh hình thức trong sinh hoạt. Mục đích là từng bước để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, ông Tấn nhấn mạnh.
Hơn 800 tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh Đắk Lắk đang là lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Việc đổi mới và đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chi bộ ở Đắk Lắk theo mô hình điểm này khi được nhân rộng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng tại địa phương, từ đó phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi bộ trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.