“Lợi dụng Đại hội Đảng để nói xấu lãnh đạo là một sự ảo tưởng“
VOV.VN - Nhà báo Đức Lượng: "Người ta không thể xuyên tạc quan điểm, chính sách thì moi móc cá nhân để đánh gục vai trò lãnh đạo của Đảng là một sự ảo tưởng".
Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng với cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, cũng như các nhiệm kì trước, thường vào dịp trước, trong và sau Đại hội, các đối tượng chống phá lại đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thực tế này đòi hỏi cùng với việc đấu tranh, thẳng thắn bác bỏ, mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân cũng cần phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin này.
Phóng viên VOV phỏng vấn nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân về vấn đề này.
Nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân |
PV: Thưa ông, từng chứng kiến nhiều dịp Đại hội Đảng, ông có nhận xét gì về những thông tin sai sự thật, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo ông, mục đích cuối cùng của những việc làm này là gì?
Nhà báo Đức Lượng: Đảng và các cơ quan làm công tác tư tương của Đảng đã dự báo tình hình này rất lâu rồi, cực kì nguy hiểm nhưng mình phải rất bình tĩnh để nhìn nhận. Trước hết, theo tôi, nếu có những ý kiến vào dịp diễn ra các sự kiện lớn thì đó cũng là điều đáng mừng. Đáng mừng ở chỗ là dân có quan tâm, nếu không quan tâm thì người ta vô cảm, ngoài cuộc.
Nhưng kèm theo đó, có những điều độc hại vô cùng. Thứ nhất là những ý kiến khác nhau, thứ hai là ý kiến có tính chất chống đối, thứ ba là ý kiến thù địch. Loại ý kiến chống đối và thù địch thì dù có sự kiện lớn hay không thì người ta vẫn làm. Nhưng vào các dịp kỉ niệm hay các sự kiện lớn, người ta đẩy mạnh hơn với hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm.
Mục đích cuối cùng của họ là xóa bỏ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, nói xấu lãnh tụ, hạ thấp lãnh tụ là để đánh thẳng vào một dân tộc. Người ta phân tán lực lượng, đánh vào sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là đánh vào sự đoàn kết, thống nhất giữa các vị lãnh đạo của Đảng. Người ta moi chuyện cá nhân, chia phe phái.
Không phải tôi không thừa nhận, hiện nay, trong Đảng ta có những nhóm lợi ích, có những người lo lót chỗ đứng cho mình, cho con cháu mình. Nhưng đó không phải là số đông bởi có những người rất liêm khiết. Đảng cũng đang đấu tranh với chuyện đó.
Tôi cũng thừa nhận, có nhiều chuyện nếu công bố công khai thì dân không xôn xao và có ý kiến khác nhau. Có những việc ở thời kì này, anh này có những khuyết điểm này nọ, ta lại giữ bí mật. Ở các nước, họ có luật, bao nhiêu năm thì công khai ra.
Tôi tin Nhà nước mình sẽ dần dần công bố các tài liệu, văn kiện đó thì sẽ tạo ra sự đồng thuận. Việc không công bố, không công khai để mọi người xì xào là không tốt.
Nhân sự kiện lớn của Đảng, người ta xuyên tạc, nói xấu đồng chí này, đồng chí kia biết đâu sẽ đạt được mục đích nào đó. Tôi cho rằng, đó là một ảo tưởng đối với dân tộc này. Lợi dụng dịp Đại hội Đảng để tung ra quan điểm ủng hộ người này, người kia, những lực lượng đó là những người ảo tưởng.
PV: Theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào trước những thông tin xuyên tạc nhằm mục đích xấu?
Nhà báo Đức Lượng: Theo tôi, công tác tư tưởng phải chủ động, phải phản bác lại những chuyện như thế. Trong Đảng và những người làm công tác lãnh đạo, tuyên huấn làm sao phát động được một chiến dịch tuyên truyền, nhưng trước hết từ trong nội bộ Đảng.
Đó là trách nhiệm của cơ quan tuyên truyền gồm tuyên truyền miệng, tuyên truyền theo tổ chức tức là thông tư, chỉ thị, nghị quyết, rồi tuyên truyền trên báo chí. Tôi thấy rằng, chúng ta phải có thông tin phản hồi để vạch trần những quan điểm sai trái đó.
PV: Như ông vừa nói, trước những thông tin xuyên tạc như vậy thì đòi hỏi vai trò của người đảng viên rất lớn. Họ phải là những người tuyên truyền tốt để nhân dân vững tin, không dao động. Vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Nhà báo Đức Lượng: Tại sao trong Cách mạng tháng Tám, ta chưa có tới 5.000 đảng viên mà trên nói, răm rắp đi theo, bí mật đến phút cuối?
Trước hết, người đảng viên phải thể hiện vai trò tiên phong, không được phân tâm, nhất là những lúc Đảng gặp khó khăn, không được vô cảm, ngoài cuộc. Còn có những điều mình thấy chưa đúng, có đầy đủ tổ chức để truyền đạt lại ý kiến đấy. Tôi thấy nhiều vụ phát hiện từ Đảng viên, Đảng đều xử lý hết. Tại sao đảng viên không phát huy vai trò của mình mà lại tiếp tay cho những cái xấu.
Sự tiếp tay của đảng viên nguy hiểm hơn nhiều, bởi vì dân tin Đảng. Ở thời điểm này, người ta không thể xuyên tạc quan điểm, chính sách, không phủ định được thành tựu đổi mới thì người ta moi móc cá nhân.
Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, huống hồ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng thì điều đó là bình thường. Nhưng moi cái đó để đánh gục chế độ, moi cái đó để đánh gục toàn bộ vai trò lãnh đạo của Đảng thì đó là một sự ảo tưởng. Nếu như ai tỉnh táo thì nên dừng lại. Tôi nghĩ như vậy.
PV: Xin cảm ơn ông./.