Ông Cao Sỹ Kiêm:Phải chỉ ra 'bộ phận không nhỏ' cán bộ biến chất là ai
VOV.VN - Ông Cao Sỹ Kiêm: Chúng ta chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa, biến chất nhưng là ở đâu, là ai thì không rõ. Không chỉ ra được là ai thì làm sao khắc phục có hiệu quả.
Trong Dự thảo báo cáo Văn kiện Đại hội Đảng XII đưa ra nhận định, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn 5 năm trước, nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực bước đầu; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, dự thảo Văn kiện chưa rõ được việc chậm trong việc xây dựng hoặc đổi mới cơ cấu, đổi mới thế chế, đổi mới xây dựng cơ sở hạ tầng để phát huy hiệu quả, tránh được rủi ro…
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, những vấn đề về xây dựng con người, xây dựng bộ máy tổ chức là vấn đề rất lớn. Tuy nhiên dự thảo Văn kiện chưa chưa làm rõ được những tác động đến những vấn đề này, tác động đến tư duy, chỉ đạo, phong cách chỉ đạo đối với nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực. “Phải làm rõ được yếu tố nào tác động đến kinh tế, đến xây dựng con người mà cụ thể là ảnh hưởng đến tư duy, chỉ đạo của con người làm cho những hiệu quả chưa đáp ứng được sự mong mỏi của dân”.
PV: Thưa ông, rõ ràng người dân mong đợi nhiều hơn vào 30 năm đổi mới, theo ông nên bổ sung những điều gì có giá trị hơn?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo thôi cần rút ra những tồn tại, kể cả địa chỉ tồn tại về tư duy, đường lối. Dự thảo văn kiện cũng đã có, nhưng ở mức khái quát, chưa chỉ ra được những tồn tại, địa chỉ cụ thể để có thể có cách khắc phục cụ thể.
Ví dụ, chúng ta có một số Nghị quyết nhận định về tình hình đất nước một cách chung chung, khái quát. Khi sửa thì không có địa chỉ cụ thể. Dẫn chứng gần nhất là Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thoái hóa, biến chất nhưng là ở đâu, là ai thì không rõ. Khi đưa vào khắc phục không chỉ ra được người nào, ai phải khắc phục thì làm sao khắc phục có hiệu quả.
PV: Việc chỉ ra cách khắc phục, có địa chỉ rõ ràng theo ông có ý nghĩa như thế nào đối với đất nước ta trong 30 năm đổi mới và trong giai đoạn tới đây?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Nó có ý nghĩa rất quan trọng là chúng ta có địa chỉ rõ ràng để sửa. Khi có những địa chỉ, hoàn cảnh cụ thể chúng ta sẽ sửa nhanh hơn, triệt để và có hệ thống hơn.
Vừa qua chúng ta đã nêu ra hiện tượng, nhưng không có địa chỉ, biện pháp cụ thể nên bị vướng trong vòng luẩn quẩn. Lần nào cũng lặp lại lỗi như vậy, vẫn nhận định như thế, vẫn tồn tại như thế, thậm chí có khuyết điểm, hạn chế lần sau nặng hơn trước, nhưng không được khắc phục có hiệu quả.
PV: Sau 30 năm đổi mới, ông mong muốn gì được thể hiện trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Tôi đã phát biểu nhiều lần ở các Hội thảo, Hội nghị, mong muốn lớn nhất không phải của tôi mà là của toàn dân, là tất cả những hạn chế, yếu kém chúng ta đã nói ra được, đã kiểm điểm được thì phải sửa được.
10 năm, 20 năm, 30 năm, chúng ta đều có tổng kết đánh giá nhưng những khuyết điểm vẫn cứ na ná như nhau vì không có giải pháp, địa chỉ cụ thể.
Phải có những phương pháp, giải pháp thích ứng với từng diễn biến, hiện tượng cụ thể thì mới sửa được. Không có một cách nào, một nội dung nào có thể bao trùm giải quyết tất cả mọi vấn đề, chỉ khi nào chúng ta sâu sát, giải quyết đến cùng, có hệ thống, có địa chỉ thì mới có thể khắc phục được.
PV: Xin cảm ơn ông./.