Ông Đinh Thế Huynh chỉ đạo An Giang chú trọng 5 giải pháp phát triển
VOV.VN - Chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông Đinh Thế Huynh đề nghị An Giang đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn để phát triển nhanh và bền vững.
“Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để phát triển nhanh và bền vững”. Đây là chủ đề Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa IX trình Ðại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh chính thức khai mạc trong sáng 21/10.
Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015-2020 khai mạc sáng 21/10 |
349 đại biểu đại diện cho trên 56.500 đảng viên trong toàn tỉnh tham dự Đại hội. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua của tỉnh An Giang là nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò nền tảng, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn. Tại An Giang đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả bước đầu, được nông dân ủng hộ, như: Mô hình “cánh đồng lớn” trên lúa gạo; chuỗi giá trị rau màu, thủy sản... Chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bình quân 5 năm (2011 - 2015), tăng trưởng GRDP của tỉnh An Giang đạt 8,63%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt trên 39 triệu đồng/người/năm (tăng trên 1,3 lần so với năm 2010). Các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng khá; cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn được đổi mới. Văn hóa - xã hội có bước tiến bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bước sang nhiệm kỳ 2015- 2020, trên cơ sở dự báo tình hình, nhận định thời cơ, thách thức, xác định quan điểm phát triển và các khâu đột phá, Đảng bộ An Giang nêu cao quyết tâm chính trị của toàn Đảng. Trong đó, xác định xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực ĐBSCL”. Trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo phương châm “lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng thành tựu khoa học- kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu”.
Một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2015-2020 của tỉnh An Giang dự kiến: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt khoảng 148.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD. Thu ngân sách 5 năm đạt khoảng 32.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo đại hội |
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương những thành quả trong nhiệm kỳ qua mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được; đồng thời nêu rõ Đảng bộ tỉnh An Giang cần nhìn nhận rõ những hạn chế, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội để tạo bước đột phá vươn lên. Trong đó, ông Đinh Thế Huynh đã chỉ đạo 5 nhóm giải pháp để An Giang chú trọng và triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả đề án liên kết vùng, phát triển sản xuất lúa gạo, phát huy lợi thế riêng có để chủ động hội nhập.
“Phát triển kinh tế-xã hội An Giang phải đặt trong tổng thể phát triển của cả nước và nhất là khu vực ĐBSCL. Tỉnh cần phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả đề án liên kết; có giải phát khai thác có hiệu quả lợi thế các sản phẩm nông nghiệp khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”./.