Ông Vũ Khoan:“Hội nhập, phải hành động để tối đa hóa cơ hội“
VOV.VN - Ông Vũ Khoan: “Đối với những bước mới trong hội nhập quốc tế, phải hành động để làm sao tối đa hóa cơ hội và tối thiểu hóa thách thức”.
Một trong những chủ trương được nêu bật tại Đại hội XII của Đảng là tích cực hội nhập quốc tế. Trên thực tế, nước ta đang trong quá trình gia nhập hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 quốc gia. Về chính trị-an ninh, nước ta là thành viên tích cực của hàng loạt thể chế đa phương khu vực và toàn cầu.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế không phải là mới. Chủ trương này đã được đề cập ngay từ Đại hội VIII và Đại hội XI, đã nâng lên thành hội nhập nhập quốc tế nói chung chứ không riêng về kinh tế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo “Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” |
Không thể không hội nhập sâu rộng hơn nữa với kinh tế thế giới
Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước có thu nhập trung bình song vẫn ở mức khá thấp, dung lượng thị trường trong nước tuy lớn nhưng thu nhập của các tầng lớp dân cư còn hạn chế nên không thể không mở rộng thị trường bên ngoài. Đất nước ta cũng đang đứng trước nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “kết hợp có hiệu quả phát triển theo chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực….”.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khoan, những kết quả đạt được chưa được như mong đợi một phần vì nước ta hội nhập trong thời kỳ nền kinh tế và chính trị quốc tế có nhiều xáo động. Bản thân nền kinh tế nước ta còn nhiều mặt yếu kém, năng lực quản trị một nền kinh tế thị trường lại hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới là một điều khá mới lạ với bộ máy Nhà nước. “Đặt lên bàn cân những gì đã thu lượm và chưa thu lượm được thì những điều thu lượm được vẫn nặng cân hơn. Vả lại, bất kỳ sự vật nào cũng có hai mặt, có cái được, cái mất và hội nhập quốc tế không phải là ngoại lệ”.
“Để thực hiện thành công nhiệm vụ này không thể không hội nhập sâu rộng hơn nữa với kinh tế thế giới để mở rộng thị trường, tranh thủ thêm nhiều vốn và công nghệ. Bên cạnh đó, trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình ở khu vực và trên thế giới, nước ta có nhu cầu đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của mình. Hội nhập quốc tế chính là một trong những con đường để đáp ứng nhu cầu cấp bách này”- ông Vũ Khoan đề xuất.
Phải hành động để tối đa hóa cơ hội
Theo ông Vũ Khoan, nhìn lại 30 năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã thay đổi một cách cơ bản và công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần không nhỏ và sự thay đổi đó. Từ chỗ kim ngạch xuất khẩu chỉ chưa đầy 1 tỷ USD năm 1986, năm 2015 đã đạt trên 160 tỷ USD. Đằng sau con số đó là hàng triệu công ăn việc làm, là sự cải thiện đáng kể mức sống của các tầng lớp dân cư. “Đó là kể đến những kết quả vô hình như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự trưởng thành của các doanh nghiệp, sự đổi mới thể chế kinh tế trong nước cho phù hợp với yêu cầu hội nhập, vai trò và uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao chưa từng thấy và nước ta đã tranh thủ được thế cơ động linh hoạt đáng kể trong quan hệ quốc tế về cả chính trị lẫn kinh tế”.
Ông Vũ Khoan cho rằng, điều kiện tiên quyết đối với thành công của công cuộc hội nhập quốc tế là sự thống nhất nhận thức và hành động. Qua những năm tháng hội nhập trên thực tế, trong Đảng và xã hội ta đã hình thành được sự đồng thuận khá rộng rãi về nhu cầu hội nhập quốc tế.
“Đối với những bước mới trong hội nhập quốc tế, nay không phải là lúc băn khoăn mà là hành động nhằm làm sao tối đa hóa cơ hội và tối thiểu hóa thách thức. Thực tế cuộc sống tạo ra căn cứ để hy vọng rằng, với thế và lực mới, với những kinh nghiệm đã thu lượm được trong quá trình hội nhập vừa qua, nước ta có đủ trí tuệ và bản lĩnh đưa con thuyền hội nhập tới những bến bờ mới”- ông Vũ Khoan nhận định.
Theo ông Vũ Khoan, những gì đang diễn ra trên thế giới ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và cần thấu hiểu và dự báo chính xác chiều hướng phát triển của chúng. Muốn vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức nghiên cứu trên cả nước để khắc phục một khiếm khuyết được nhắc đi nhắc lại tại hết đại hội này đến đại hội khác: Công tác dự báo còn yếu kém.
“Phải hiểu biết về những “luật chơi” trên thế giới. Những luật lệ, cam kết theo các FTA hết sức phức tạp, không nắm vững chúng thì không thể tận dụng được những cơ hội chúng mở ra và thách thức chúng đưa tới. Tiếc rằng không ít công chức và các doanh nghiệp chưa nắm vững, thậm chí chưa quan tâm tìm hiểu. Cùng với đó, kỹ năng hội nhập còn là một lỗ hổng phổ biến. Ông cha ta thường nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, không tinh thông kỹ năng thì làm sao thắng nổi trên đấu trường quốc tế”- ông Vũ Khoan trăn trở./.