Phó Ban Dân vận Trung ương: “Lãnh đạo phải vượt qua lợi ích nhóm”

VOV.VN -“Tôi rất muốn lãnh đạo các cấp nói ít thôi, làm nhiều”– ông Thào Xuân Sùng chia sẻ và nhấn mạnh lãnh đạo phải vượt qua lợi ích nhóm.

"Người nào thực sự có tài năng và đạo đức thì người đó sẽ quyết đoán. Và quyết đoán có thể độc đoán chỉ cách nhau một sợi chỉ, đó là thách thức với người đứng đầu" - đó là điều ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương chia sẻ với phóng viên VOV.VN.

PV: Nhiều vụ việc vừa qua cho thấy việc trách nhiệm người đứng đầu cũng như xử lý sai phạm với những người đứng đầu đã được nhấn mạnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Ông Thào Xuân Sùng: Tôi rất đồng tình với chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là ý kiến của Tổng Bí thư trong việc làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

Người đứng đầu là người được chuẩn bị đầy đủ về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tố chất cần thiết để chèo lái một tập thể nên khi anh thực hiện nhiệm vụ dân giao chưa đến nơi đến chốn thì việc xem xét và quy trách nhiệm người đứng đầu là hoàn toàn đúng đắn và chính xác chứ không có gì là quá nghiêm khắc.

Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

Việc quy trách nhiệm người đứng đầu trong thời gian tới đây sẽ thúc đẩy các cấp uỷ tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, cơ quan nhà nước, mặt trận đoàn thể hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, quy trình thực thi trách nhiệm chức năng nhiệm vụ của người đứng đầu. Và chính người đứng đầu cũng mong muốn điều này vì chức năng nhiệm vụ người đứng đầu thì có nhưng các văn bản quy phạm pháp luật để người đứng đầu có thể quyết đoán thì chưa đầy đủ và hoàn thiện.

Người nào thực sự có tài năng và đạo đức thì người đó sẽ quyết đoán. Và quyết đoán có thể độc đoán chỉ cách nhau một sợi chỉ, đó là thách thức với người đứng đầu. Tôi làm lãnh đạo từ huyện đến Trung ương, thấy rằng, nó thuộc đạo đức và tài năng. Nếu không có tài năng không dám quyết đoán, sinh ra bộ phận không nhỏ người đứng đầu thụ động. Nhưng không phải quyết đoán đến mức quyết bừa, không có cơ sở lý luận và thực tiễn vì như thế rất tai hạn, đầu tiên là làm tổn thương nhân dân, đồng thời người đứng đầu mất uy tín, thậm chí bị xét kỷ luật kể cả về chính trị và pháp lý.

Thời gian tới đây, khi Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện các văn bản để người đứng đầu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao thì chắc chắn hiện tượng làm trái, sai phạm trong quản lý kinh tế và quản lý nhân sự trong thời gian tới sẽ được hạn chế.

PV: Lâu nay ta nói nhiều đến trách nhiệm cá nhân “trốn” trong tập thể. Báo cáo kiến nghị của cử tri do Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội vừa qua có nêu tình trạng “cát tặc” lộng hành, báo chí phản ánh nhưng nhiều chủ tịch tỉnh vẫn “im lặng”, thưa ông?

Ông Thào Xuân Sùng: Một trong những bức xúc của người dân là việc khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó có cát ở một số nơi xảy ra bừa bãi và vô kỷ luật, kéo dài. Việc này liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương chứ không thể nói tại Bộ này Bộ kia; của cả Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ chứ không chỉ  là trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch UBND, không thể thành tích thì kể nhưng khi xảy ra hạn chế, tồn tại, thậm chí khuyết điểm, vi phạm pháp luật mà chỉ quy cho Bí thư và Chủ tịch cũng là không thoả đáng.

Điều muốn nói là đội ngũ lãnh đoạ các cấp phải vượt qua lợi ích nhóm. Nhân dân nói nhiều về việc có lợi ích nhóm, sân sau của ông này ông kia. Nhân dân băn khoăn việc này có hay không vì nếu như tình trạng quản lý tài nguyên thì người dân băn khoăn là đúng. Bên cạnh đó, điều quan trọng là tiếp tục hệ thống hoá, hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản để nhân dân căn cứ vào đó giám sát.

PV: Nói về sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thì sắp tới sẽ có quy định cụ thể hơn về xử lý cán bộ công chức vi phạm, trong đó có người đứng đầu và kể cả người đã về hưu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Thào Xuân Sùng: Tôi cho rằng việc xử lý người đã về hưu là việc bất đắc dĩ. Còn hướng tích cực nhất theo tôi là tập trung thống nhất chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện thể chế trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể theo hướng tăng quyền hạn cho người đứng đầu, thể hiện rõ cơ chế giám sát, phản biện, góp ý.

Tôi nghĩ người đứng đầu nào cũng muốn mình có quyền hạn. Người đứng đầu là người xuất sắc nhưng để quyết thì lá phiếu người đứng đầu phải hơn thành viên khác. Họ có quyền quyết định đến đâu thì hành lang tối đa và tối thiệu phải khu biệt rất rõ, khi đó người đứng đầu không phải thực hiện thủ tục rườm rà mà chỉ báo cáo khi thực hiện nhiệm vụ đem lại kết quả, không xong thì phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm cũng phải rất rõ, như không xong phải thôi chức vụ.

Trong tình hình hiện nay, tôi rất muốn lãnh đạo các cấp nói ít thôi, hãy làm nhiều vào. Trung ương tập trung làm các văn bản mà nhân dân rất cần trên cơ sở tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi. Không có người dân nào muốn lãnh đạo tổn thương. Người dân rất cần đội ngũ lãnh đạo của mình mẫu mực, tiêu biểu và tự hào về lãnh đạo của mình như ở thôn người ta tự hào về trưởng thôn, nhưng làm thế nào để người đó là niềm tự hào thì rõ ràng không chỉ giáo dục mà bằng hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi của người đó.

Như vậy, người đứng đầu từ địa phương đến Trung ương thực thi nhiệm vụ một cách vững vàng, tự tin và tự chịu trách nhiệm chứ không phải lo nơm nớp, phải mở hành lang pháp lý cho phép người đứng đầu phát huy sáng tạo.

Ví dụ người đứng đầu DNNN mà mình không cho phép thất bại tý nào trong sản xuất kinh doanh thì tôi cho rằng điều đó không có đâu., nhất là thương trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.

Một tập thể cấp uỷ quyết còn chưa đúng, một Bộ ra hướng dẫn cho địa phương còn chưa trúng thế thì có kỷ luật được tất cả không? Không được. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, đối mặt với những vấn đề “khổng lồ”, không quyết đoán thì mất cơ hội, nhưng quyết đoán thì sợ quy trách nhiệm nên lưỡng lự thì lại mất cơ hội.

Vừa rồi rất đau lòng về một số vụ sai phạm mà cái tâm người đứng đầu rất tốt nhưng sau đó thấy suy nghĩ không chín chắn. “Mình” ở đây không chỉ mang tính cá nhân mà là tập thể lãnh đạo và quản lý có thẩm quyền được cấp trên giao cho thực thi. Do đó, rất nhiều vấn đề phải xử lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Khởi tố cựu Phó Chủ tịch Hà Nội liên quan trách nhiệm người đứng đầu“
“Khởi tố cựu Phó Chủ tịch Hà Nội liên quan trách nhiệm người đứng đầu“

VOV.VN - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng, trách nhiệm liên quan gây vỡ đường ống nước sông Đà không chỉ mình ông Phí Thái Bình.

“Khởi tố cựu Phó Chủ tịch Hà Nội liên quan trách nhiệm người đứng đầu“

“Khởi tố cựu Phó Chủ tịch Hà Nội liên quan trách nhiệm người đứng đầu“

VOV.VN - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng, trách nhiệm liên quan gây vỡ đường ống nước sông Đà không chỉ mình ông Phí Thái Bình.