Quy định 205 khiến người có trách nhiệm khó né tránh trước vi phạm
VOV.VN -Theo ông Phan Xuân Xiểm, Quy định 205 có tác dụng như liều thuốc để ngăn chặn sai phạm, quy trách nhiệm cụ thể đến từng đối tượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên, vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một Quy định do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ký. Lần đầu tiên, một Quy định đã chỉ rõ, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
PV: Quan điểm của ông như thế nào khi đón nhận và tiếp cận Quy định 205 của Bộ Chính trị?
Ông Phan Xuân Xiểm: Có thể nói, Quy định 205 như một luồng gió mới trong Đảng, chỉ rõ những hành vi trong vấn đề kiểm soát quyền lực và cũng cho thấy vấn đề tham nhũng, vi phạm không thể né tránh được. Ban đầu, việc lựa chọn cán bộ thực hiện theo đúng quy trình, nhưng quá trình kiểm soát hành vi của họ chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy, Quy định 205 lần này đã chỉ ra những hành vi cụ thể có tính hướng dẫn để tổ chức, những người có trách nhiệm không thể né tránh trách nhiệm của mình tại sao lại để cán bộ của mình vi phạm nhiều đến thế.
Quy định 205 cũng chỉ rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, cán bộ tham mưu... để ngăn chặn những tiêu cực, tham nhũng, sử dụng quyền lực của mình để làm những điều sai trái.
PV: Theo ông, những nội dung cụ thể, chi tiết trong Quy định 205 có phải là cơ sở để ngăn chặn lợi ích nhóm, tiêu cực, hoàng hôn nhiệm kỳ xảy ra trong công tác cán bộ?
Ông Phan Xuân Xiểm: Quy định khá cụ thể, dễ dàng trong việc xem xét, ai né tránh cũng sẽ bị xử lý. Trong Quy định 205, tất cả thành phần trong đó đều có trách nhiệm nên không thể né tránh, nhất là người đứng đầu.
Trong quá trình xem xét, kiểm tra cũng có nhiều vấn đề. Có những sai phạm sờ sờ ra đó nhưng tại sao lại không xử lý được. Hay chuyện xử lý cán bộ công an, quân đội, đây là câu chuyện không cũ, xảy ra từ trước nhưng tại sao chậm được xem xét, xử lý. Bởi vì né tránh hay bởi vì chưa có quy định cụ thể nên khó quy trách nhiệm cho cán bộ?
Theo quy định của Đảng, dù cán bộ đã nghỉ hưu nhưng sau đó phát hiện thấy sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý như khi còn đương chức. Mặc dù vậy, chúng ta chưa xem xét trách nhiệm của những người ở thời điểm sai phạm xảy ra nhưng lại né tránh.
Quy định 205 có tác dụng như liều thuốc để ngăn chặn sai phạm, quy trách nhiệm cụ thể, nếu không làm tròn trách nhiệm thì sẽ bị xử lý.
PV: Vai trò giám sát của người dân trong các hoạt động quản lý Nhà nước, đặc biệt trong công tác cán bộ như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Xuân Xiểm: Muốn để người dân giám sát thì tất cả phải công khai, minh bạch kể cả vấn đề quy hoạch cán bộ. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì nếu công khai thì người tốt có thể bị nói xấu nhưng đây là thực tế cần phải chấp nhận để công khai công tác quy hoạch cán bộ, xử lý cán bộ.
Việc xử lý cán bộ trước kia thường trong nội bộ nhưng nhiều năm gần đây đã công khai để người dân giám sát. Còn nếu người dân không biết thì họ không thể tham gia được.
Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đưa vấn đề: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra song dường như mới là khẩu hiệu. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi thấy đã có tiến bộ, đặc biệt là việc xử lý cán bộ cao cấp đã công khai trên công luận để người dân biết, từ đó người dân soi xét lại những trường hợp vi phạm nhưng chưa được xử lý.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo cũng giải quyết tố cáo để minh oan cho những người không sai phạm để họ tiếp tục được quy hoạch, được bổ nhiệm. Giải quyết tố cáo cũng là để tìm ra những người vi phạm để xử lý đến nơi đến chốn thì mới tạo được lòng tin cho người dân.
Kể cả chế độ, chính sách cho cán bộ trước kia được xem là mật nhưng bây giờ cũng đã được công khai. Nếu không công khai thì làm sao người dân biết được lương của cán bộ như vậy nhưng nhà cửa, đất đai của họ lại khác. Phải công khai, minh bạch để người dân giám sát, tham gia đóng góp vào công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ.
Vụ nữ điều dưỡng hợp đồng thăng tiến thần tốc: Sai phạm chồng sai phạm
PV: Theo nhận định của ông, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã làm tốt nhiệm vụ của mình chưa, hay phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì mới có thể xử lý được vấn đề ở địa phương?
Ông Phan Xuân Xiểm: Nếu tốt thì đã không còn những sai phạm, nhưng cũng có trường hợp xử lý chưa đến nơi đến chốn, để lọt sai phạm. Nói công tác cán bộ làm đúng quy trình, nhưng tại sao đúng quy trình rồi mà vẫn để lọt những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống, mắc nhiều khuyết điểm? Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt.
PV: Ông có kỳ vọng Quy định 205 thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc thì công tác kiểm tra, giám sát các cấp trong công tác cán bộ sẽ tốt hơn?
Ông Phan Xuân Xiểm: Quy định 205 nói tới trách nhiệm của những người làm công tác kiểm tra, nếu cán bộ không làm được thì cơ quan kiểm tra, giám sát sẽ có thái độ với họ. Tất cả quy định đưa ra, chúng ta đều hy vọng, nhưng để làm được điều đó thì công tác kiểm tra, giám sát phải được đẩy mạnh, đề cao.
Việc này còn liên quan đến người đứng đầu cấp ủy, nếu không tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mà có những cản trở thì sẽ không thể thực hiện được. Để Quy định này thực sự đi vào cuộc sống thì phải nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm tập thể./.
"Không ít đại án tham nhũng tác động mạnh tới tư tưởng của lớp trẻ"
Quy định 205 có ngăn chặn “lợi ích nhóm” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”?