Sẽ rà soát sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng

VOV.VN - Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng Đề án, trong đó có quy định rà soát, sàng lọc, đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng

Việc đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người đảng viên mà ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Đảng. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý Đảng viên, đặc biệt là hệ thống cơ quan làm công tác tổ chức của Đảng cần nhanh chóng có những giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng này.

Phải chấm dứt tình trạng nể nang trong xử lý cán bộ, đảng viên

Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên.

Đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều văn bản quy định việc quản lý đảng viên và tổ chức Đảng, trong đó có Quy định 29, năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương
Theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương hết sức quan tâm, trăn trở về việc đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng. Những giải pháp khắc phục tình trạng này đều dựa trên mục tiêu, phương châm mong muốn giữ lại đảng viên là chính, chứ không muốn phải đưa ra khỏi Đảng bởi kết nạp được một đảng viên không hề dễ dàng. Bên cạnh đó còn liên quan đến sinh mạng chính trị của cán bộ, nên khi phải áp dụng biện pháp xóa tên hay khai trừ đảng viên, thì cũng là sự trăn trở, cân nhắc rất kỹ của cán bộ làm công tác tổ chức Đảng. Tuy nhiên, khi cần thiết thì vẫn phải áp dụng.

Sẽ rà soát, sàng lọc những người không còn đủ tư cách

Ông Nguyễn Văn Định cho rằng, giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng là phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên ngay từ khi còn đang công tác, nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng.

“Phải thực hiện sinh hoạt Đảng hàng tháng để giáo dục chính trị, tư tưởng. Đảng viên nào không sinh hoạt thì cần xóa tên, đó cũng là việc cần phải làm. Giáo dục, trách nhiệm cần gương mẫu chấp hành trong sinh hoạt Đảng đối với đảng viên đang công tác. Nâng cao công tác chính trị, tư tưởng ở các chi bộ tổ dân phố, thôn, bản”, ông Định nêu giải pháp.

Bên cạnh đó, cần chấp hành nghiêm túc những quy định về việc chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Hiện nay Quy định 29 đã quy định rất chặt chẽ về thủ tục này. Đảng viên nghỉ hưu, trong thời hạn 60 ngày phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng chính thức. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Khi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên, cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng. Bên cạnh đó, khi chuyển sinh hoạt thì nơi giới thiệu đảng viên đi còn viết phiếu báo gửi về nơi đảng viên sẽ chuyển đến. Nếu nơi nhận được phiếu báo, khi đến thời gian mà không thấy đảng viên đến nộp hồ sơ thì phải đến trực tiếp yêu cầu nộp hồ sơ.

Ông Thái Hiển (người đang trả lời phỏng vấn), Phó trưởng Ban Tổ chức, Thị ủy Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Quy định chặt chẽ như vậy nhưng từ thực tế hơn 30 công tác trong ngành tổ chức Đảng, ông Thái Hiển, Phó trưởng Ban Tổ chức, Thị ủy Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: trong thực tế, một số tổ chức cơ sở Đảng thực hiện chưa nghiêm túc quy định này, do đó việc đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng cũng có lỗi một phần ở tổ chức Đảng cơ sở.

“Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý đảng viên, đặc biệt là công tác chuyển sinh hoạt Đảng ở một số chi bộ trực thuộc, một số tổ chức cơ sở đảng ít được quan tâm. Cho nên đến lúc nghỉ hưu, có những người nghỉ hưu 5-6 tháng vẫn không chuyển sinh hoạt. Chúng tôi đã phải kiểm điểm các tổ chức Đảng, các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, thậm chí cả các đảng bộ cơ sở”, ông Hiển cho biết.

Cả một đời công tác, phấn đấu, lẽ nào nghỉ hưu lại buông bỏ

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: một số Đảng viên sau khi nghỉ hưu không sinh hoạt Đảng, về mặt Đảng, trách nhiệm, nhiệm vụ của một đảng viên là sai. Tự động bỏ sinh hoạt là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc
Tuy nhiên ông Phúc cho rằng cũng cần xem xét cụ thể từng trường hợp để đánh giá. Ví dụ: có những người bỏ sinh hoạt Đảng do thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, có người cao tuổi, sức khỏe yếu không cho phép tiếp tục sinh hoạt Đảng, thấy cần phải nghỉ ngơi, có người do hoàn cảnh gia đình, nghỉ hưu di chuyển nơi cư trú về sinh sống với con, cháu, thậm chí có người ra nước ngoài định cư cùng con cái…

Ông Nguyễn Trọng Phúc đề nghị: “Phải khảo sát lại tất cả các cơ sở Đảng trong toàn quốc xem trong tổng số khoảng 4,5 triệu đảng viên hiện nay có bao nhiêu đảng viên đã nghỉ hưu, và trong số đảng viên nghỉ hưu ấy, có bao nhiêu người tự động bỏ sinh hoạt, bao nhiêu người thuộc diện miễn sinh hoat và có bao nhiêu người không muốn sinh hoạt nữa nhưng ngại đề nghị. Từ đó, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan lãnh đạo của Đảng có giải pháp thuận cho Đảng và đảng viên”.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, hiện nay Trung ương đã nắm được vấn đề này và đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Đề án, trong đó có quy định rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, trong đó có một bộ phận là những cán bộ, đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi về nghỉ hưu.

Những giải pháp từ mềm mỏng đến nghiêm khắc như vậy sẽ có tác dụng tích cực gìn giữ lý tưởng cao đẹp của mỗi đảng viên, để mỗi đảng viên ghi nhớ mãi lời tuyên thệ thiêng liêng trong lễ kết nạp Đảng trong suốt quá trình công tác. Đây cũng chính là những giải pháp căn cơ và bền vững, đóng góp không nhỏ vào việc khắc phục tình trạng đảng viên không tham gia sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu, góp phần ngăn chặn những biểu hiện tự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng và những hệ lụy đáng lo ngại
Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng và những hệ lụy đáng lo ngại

VOV.VN - Một tỷ lệ nhỏ đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu có thể gây ra những hệ lụy, tác động đến mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ, những nhân tố tích cực rất cần cho Đảng.

Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng và những hệ lụy đáng lo ngại

Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng và những hệ lụy đáng lo ngại

VOV.VN - Một tỷ lệ nhỏ đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu có thể gây ra những hệ lụy, tác động đến mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ, những nhân tố tích cực rất cần cho Đảng.