Thư viện sách báo cách mạng của cựu chiến binh 72 năm tuổi Đảng
VOV.VN - Thú vui đọc, sưu tầm, cắt dán, lưu trữ báo không chỉ giúp cho người cựu chiến binh năm nay đã ngoài 93 tuổi một trí nhớ minh mẫn.
18 tuổi tình nguyện tham gia Đội Thanh niên cứu quốc, rồi gia nhập Cảm tử Đội Phan Thiết. 21 tuổi, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, rồi được cử đi học lớp y tá. Những năm sau đó, ông Huỳnh Hữu Lễ (93 tuổi, ngụ tại khu phố 11, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, Bình Thuận) được phân công về công tác ở quân chủng Hải quân; công tác ở tỉnh đội Long Phước; về Đoàn An Dưỡng Không Quân Đà Lạt và nghỉ hưu năm 1978.
Năm 1997, ông bắt đầu sưu tầm sách báo. Hơn 23 năm qua, cựu chiến binh 72 tuổi đảng này miệt mài đọc, sưu tầm và phân loại những trang báo để tạo nên một kho tư liệu quý giá.
Ông Huỳnh Hữu Lễ bên góc bàn sưu tầm báo quen thuộc của mình. |
Tiếp chúng tôi trong gian nhà chật hẹp vương nồng mùi báo cũ, ông Huỳnh Hữu Lễ dù đã bước sang tuổi 93, đi lại khó khăn, thính giác bị mất hoàn toàn nhưng vẫn giữ được tinh thần minh mẫn. Chỉ tay về một góc “thư viện” riêng trong căn nhà của mình, ông Lễ cho biết, suốt hơn 23 năm qua, ông vẫn miệt mài với công việc đọc, phân loại và cắt dán tạp chí, báo in thành từng tập chuyên đề.
Cơ duyên đưa người cựu chiến binh này đến với đam mê sưu tầm sách báo bắt đầu từ năm 1997. Khi đến nhà một người bạn của mình chơi, ông Lễ thắc mắc khi thấy bạn đang chăm chút ngồi cắt dán từng trang báo vào những cuốn sổ. Thay vì trả lời, người bạn này hỏi lại ông Lễ có biết nước ta có mấy vị tướng; dân số Việt Nam đến thời điểm này là bao nhiêu không? Sau cái lắc đầu của ông thì người bạn này bắt đầu kể vanh vách những con số, những nhân vật, địa danh…và cho biết chính việc sưu tầm sách báo đã cho mình những kiến thức kia. Kể từ lúc đó, niềm đam mê sưu tầm sách báo được dấy lên trong ông.
“Lúc đầu cũng ít tiền lắm, mua ít sách, mà thời điểm hơn hai mươi mấy năm về trước cũng ít báo nữa, nên việc sưu tầm rất khó. Sau này kinh tế tốt hơn, cùng với việc các con cũng chịu khó gom góp các tờ báo, tạp chí về nên có nhiều sách báo, sắp xếp có trật tự, theo từng tiêu đề một”- ông Lễ chia sẻ.
Một góc sưu tầm báo của ông Lễ |
Với tâm niệm tích góp kiến thức từ sách báo để làm giàu tri thức bản thân cũng như trân quý công sức của những người làm báo, ông Lễ đã sưu tầm, cắt dán báo theo từng tập để lưu giữ lại nhiều tin bài hay, hình ảnh đẹp, giúp cho những người đọc hiểu nhiều về con người và đất nước Việt Nam. Nguồn báo được ông sưu tầm chủ yếu lấy từ báo Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ, Pháp Luật, Công an thành phố Hồ Chí Minh…
Với sự cần mẫn của mình trong suốt 23 năm qua, ông Lễ đã cho ra đời một bộ sưu tập khá đồ sộ, với 133 tập chuyên đề, trung bình mỗi tập có khoảng 100 trang được chất đầy căn gác lửng và một phần phòng khách. Trong đó, một số chuyên đề nổi bật được ông sưu tầm như: Hoàng Sa, Trường Sa biển đảo Việt Nam; Đường Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh; Đất và người Việt Nam; Vì An ninh Tổ Quốc… Đặc biệt, những tuyển tập các bài báo về đường Trường Sơn, về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gợi lại trong ông về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Chị Bích Ngọc, người gọi ông Lễ bằng cậu chia sẻ về bộ sưu tập của ông. |
Thú vui đọc, sưu tầm, cắt dán, lưu trữ báo không chỉ giúp cho người cựu chiến binh năm nay đã ngoài 93 tuổi một trí nhớ minh mẫn và niềm vui trong cuộc sống mà đó còn là niềm tự hào cho con cháu ông. Chị Bùi Thị Ngọc Bích - người cháu gọi ông Lễ bằng cậu cho iết: "Tôi thấy đây là một việc làm rất hay của ông. Tôi cũng thường xuyên qua nhà để mà cổ động, khuyến khích cho cậu trong việc sưu tầm báo. Qua những tài liệu, sách báo sẽ có những thông tin giá trị để người đọc tham khảo, vận dụng trong cuộc sống”.
Bước qua 72 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh Huỳnh Hữu Lễ không mong muốn gì hơn ngoài việc có nhiều sức khỏe để có thể sưu tập thêm nhiều tập báo nữa. Bởi theo ông “việc cắt dán báo cũng như tri thức không biết bao giờ hết được”:
“Nhiều thứ chú thích lắm nhưng không cắt dán kịp. Ban ngày làm không hết thì đêm chú cố gắng thức khuya thêm 5, 6 tiếng để dán cho hết những tờ báo”- ông Lễ ánh lên niềm vui khi kể về công việc của mình.
Mong muốn của ông là về sau, bộ sưu tầm sách báo cách mạng của mình sẽ được truyền lại cho con cháu cũng như các thư viện, bảo tàng hoặc gần gũi hơn như các buổi sinh hoạt chi bộ để cho nhiều người có thể tiếp cận với nguồn tư liệu quý./.