Tổng Bí thư: Kiên quyết khắc phục tình trạng học để đối phó, học để lấy bằng cấp

VOV.VN -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội.

Sáng nay (14/9) tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm trọng thể 70 năm xây dựng và phát triển (1949-2019).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo. Tới dự lễ kỷ niệm có: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và nhiều địa phương. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ.  (ảnh: TTXVN)

Cách đây tròn 70 năm, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc để huấn luyện cán bộ; tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trường và dự lễ khai giảng khoá II. Đây là một sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa, trở thành mốc son truyền thống của nhà trường. 

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của Đảng và hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ.

Đến nay, đã có hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp được học tập và rèn luyện tại học viện, trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Học viện đã có những đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ các nhà khoa học của học viện là lực lượng chủ lực giảng dạy, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin; đi đầu trong việc nghiên cứu làm rõ nội dung, khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng.

Với những đóng góp liên tục, to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm,  thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong 70 năm qua; nhấn mạnh Học viện đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Học viện là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội. 
Băng

Chúng ta tự hào về truyền thống quý báu của trường Đảng Trung ương, cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta: Luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng.

Học viện liên tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ và thách thức để phát triển. Học viện đã và đang nỗ lực phấn đấu nêu cao hình ảnh mẫu mực của những người thày và trò dưới mái Trường Đảng cao cấp, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý Học viện cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và sớm có giải pháp khắc phục.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng mới là bước đầu, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trong nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa việc học tập nâng cao tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý với rèn luyện đạo đức cách mạng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có nhiều công trình lớn để đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng. Hiệu quả hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín còn mỏng, chưa ngang tầm nhiệm vụ của Trường Đảng Trung ương, còn có những hụt hẫng về các thế hệ cán bộ.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở các Học viện khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin chưa kết nối với hệ thống các trường chính trị trong cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, xác định sứ mệnh, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, giá trị cốt lõi và các định hướng phát triển Học viện trong những thập kỷ tới. 

"Cần phải nhận thức sâu sắc: Học viện là trường Đảng có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Bác Hồ đã nói" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh, Học viện cần tập trung nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Học viện cần quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội.

Học viện cần xác định rõ đối tượng đào tạo, tránh chạy theo số lượng; đa dạng hoá các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên khác nhau. 

"Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các đồng chí cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên. Muốn làm được điều này, phải tăng cường yêu cầu về kỷ cương, kỷ luật học đường. Học viện cần thực hiện thật tốt vai trò là trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, giảng viên lý luận chính trị cho các trường chính trị, các trường cán bộ và các trường đại học trong cả nước" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.

Bên cạnh đó, Học viện cần quan tâm xây dựng, phát triển toàn diện Học viện, trong đó cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm và am hiểu thực tiễn. Học viện cần phải đi đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bảy tỏ tin tưởng, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, với truyền thống vẻ vang, đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học đông đảo, có chuyên môn cao và hết mực tâm huyết, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 458 đảng viên tiêu biểu
Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 458 đảng viên tiêu biểu

VOV.VN -Trong số này, có 4 đảng viên cao niên được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, 4 người được tặng, truy tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng,...

Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 458 đảng viên tiêu biểu

Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 458 đảng viên tiêu biểu

VOV.VN -Trong số này, có 4 đảng viên cao niên được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, 4 người được tặng, truy tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng,...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Bác Hồ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Bác Hồ

VOV.VN - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện

VOV.VN - Báo cáo chính trị không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện

VOV.VN - Báo cáo chính trị không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu.