Trường đào tạo “hạt giống đỏ” đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam
VOV.VN - Cuối năm 1924, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu-Trung Quốc, thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu-Trung Quốc. Tại đây, từ những năm 1925-1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp thành lập Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội, mở ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Hơn 95 năm qua, Trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội – tại số nhà 13 (nay là số nhà 248-250) phố Văn Minh – trường đào tạo hạt giống đỏ cho tổ chức Cách mạng của Việt Nam đã được Trung Quốc công nhận là di tích Cách mạng, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Dương Kỳ, Giám đốc Bảo Tàng lịch sử cách mạng tỉnh Quảng Đông.
Ông Dương Kỳ, Giám đốc Bảo Tàng lịch sử cách mạng tỉnh Quảng Đông. |
PV: Thưa ông, với những tư liệu còn lưu giữ tại Di tích, xin ông thông tin về thời gian đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Quảng Đông-Trung Quốc và việc thành lập Tổ chức thanh niên cách mạng Đồng chí Hội?
Ông Dương Kỳ: Di tích Lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam tại số nhà 13, đường Văn Minh (nay là số nhà 248-250 đường Văn Minh) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc, bồi dưỡng cán bộ và sinh sống vào thời kỳ đại cách mạng của Trung Quốc năm 1924 sau khi đến Quảng Châu.
Nơi này có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong 2 năm rưỡi làm việc và sinh sống thì đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp và đào tạo nên những người lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng….vv.
Trong quá trình đào tạo cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã mời nhiều nhân sĩ Đảng cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ đến đây giảng bài. Trong thời gian ở đây, Người cũng đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng và phong trào công-nông của Trung Quốc, quan tâm đến sự trưởng thành của thanh niên Việt Nam tại Trung Quốc.
Trong số những thanh niên này, nhiều người đã được cử đến trường quân sự Hoàng Phố (nơi đào tạo các cán bộ quân sự) học tập. Nhiều người trong số họ đã tham gia các hoạt động cách mạng của Trung Quốc.
PV: Sau hơn 95 năm, Trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội – trường đào tạo hạt giống đỏ cho tổ chức Cách mạng của Việt Nam đã được Trung Quốc công nhận là Di tích Cách mạng, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách. Ông có thể nói rõ thêm về quyết định gìn giữ Di tích lịch sử cách mạng này?
Ông Dương Kỳ: Di tích lịch sử này là nơi các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của hai nước làm quen và xây đắp tình hữu nghị sâu sắc với nhau. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, chúng tôi đã quyết định gìn giữ thành địa chỉ lịch sử cho khách tham quan để tìm hiểu tình hình lịch sử 2 bên cũng như thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ cách mạng tiền bối cho Việt Nam.
Hiện nay, khách chủ yếu đến từ Việt Nam, trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các đoàn cán bộ Việt Nam đến đây học tập, tham quan ngày càng đông. Theo chúng tôi thống kê, hàng năm có khoảng 1000 người đến tham quan. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng Di tích này. Về mặt quản lý, Khu di tích này thuộc quản lý của Bảo tàng lịch sử Cách mạng tỉnh Quảng Đông.
Phòng trưng bày tại Trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội |
Đây là di tích văn hóa được bảo tồn rất quan trọng của tỉnh Quảng Đông. Ở đây chúng tôi có hệ thống quản lý hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi còn có các hoạt động giám sát, đánh giá định kỳ hoặc không thường xuyên thực trạng di tích, để tạo điều kiện cho việc bảo tồn duy tu, sửa chữa sau này.
Di tích này có lịch sử gần 100 năm rồi, nên chúng tôi đang có kế hoạch trình cấp trên xem xét, phê duyệt. Khi được duyệt chúng tôi sẽ có công tác bảo tồn và xây dựng sửa chữa cần thiết để tiến hành công tác bảo tồn chuyên sâu.
PV: Trực tiếp quản lý Di chỉ này, ông ấn tượng gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Ông Dương Kỳ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam. Có thể nói, hai năm rưỡi hoạt động ở đây là thời kỳ cực kỳ quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Trong thời gian đó, Người đã bồi dưỡng nhiều cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam và xây đắp tình hữu nghị sâu sắc với nhiều nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc, tạo cơ sở cho tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam. Người là vị lãnh tụ đáng để chúng ta kính trọng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.