Vì sao 30 năm đổi mới, vẫn chưa xây xong nền tảng một nước công nghiệp
VOV.VN - Theo các chuyên gia, 30 năm đổi mới vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước CNH-CNH. Phải nghiêm túc chỉ ra vì sao yếu kém, dân mới tin tưởng
Về mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này nhấn mạnh nội dung: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cần có đánh giá đúng về tình hình hiện nay
“30 năm đổi mới chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa? Nếu chưa xây dựng được thì rất khó cất cánh. Trong khi đó, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn”- PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, nhiều chỉ tiêu mà Đại hội XI chỉ ra đã không thực hiện được. Mục tiêu chiến lược về cơ bản đưa nước ta thành nước CNH-HĐH theo hướng hiện đại vào năm 2020 là không đạt được. “Vậy thì phải chỉ rõ nguyên nhân, do mục tiêu cao quá, hay do việc tổ chức thực hiện chưa ổn. Chưa đạt được thì phải đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc thì dân mới tin tưởng”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, Việt Nam ngày càng bị tụt hậu so với các nước ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nguyên nhân là do chưa coi trọng phát triển khoa học công nghệ.
Theo ông Tuấn, khoa học công nghệ ở Việt Nam đang dựa quá nhiều vào Nhà nước, trong khi ở Hàn Quốc có đến 75% sáng tạo khoa học công nghệ là của tư nhân. Một loạt công ty tư nhân của Hàn Quốc như Samsung.. chiếm lĩnh thị trường hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao và chúng ta cần thay đổi tư duy này.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phải nhận thức được tương lai đòi hỏi gì thì chúng ta đáp ứng. Đại hội Đảng XII là để tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ 5 năm, nhưng dự thảo tổng kết còn quá đơn giản chỉ gồm 3 trang, trong khi 5 năm qua có nhiều sự kiện, tình huống, nhiều vấn đề chiến lược xoay chuyển rất rõ.
“Việc đánh giá về tình hình khó khăn cũng phải đánh giá rõ ràng, đầy đủ hơn, để bước vào giai đoạn chuyển đổi. Cần có đánh giá thực sự đúng về tình hình hiện nay. Việc tái cơ cấu trong mấy năm qua “vật lộn” nhưng chưa hiệu quả. Dự thảo phải đánh giá đúng, như thế mới xác định được đường hướng phát triển đất nước cho 5 năm tới”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ngoài nguyên nhân tồn tại đã nêu trong dự thảo, còn có một số nguyên nhân chủ yếu khác. Như cách xác định mục tiêu chiến lược còn thô sơ, đơn giản, thiếu tính cam kết với xã hội, với nhân dân. Cách tiếp cận đến mục tiêu chiến lược này có thể có một số sai lầm về nguyên tắc, ví dụ như để cho một số tập đoàn nước ngoài tham gia vào xây dựng hạ tầng lớn, làm chậm tiến độ, đẩy chi phí lên cao, rõ nhất là dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ gây tốn kém. Ngoài ra, đánh giá chưa đúng sức cản trở thể chế.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc chịu trách nhiệm cá nhân rất yếu, nhiều sai sót nhưng không ai chịu trách nhiệm, dịch vụ công kém chất lượng, nhiều vấn đề yếu kém nội tại chưa đẩy lùi được như lãng phí, tham nhũng, lệ thuộc quá mức vào kinh tế nước ngoài... Tất cả những vấn đề này phải kiểm điểm nghiêm túc, đầy đủ thì nhân dân mới tin. Chỉ có tổng kết, đánh giá đầy đủ thì mới làm rõ được nền kinh tế chúng ta sau 30 năm đổi mới, hơn 10 năm hội nhập mạnh-yếu thế nào, từ đó mới đĩnh đạc bước vào giai đoạn mới được.
Làm thế nào để hạn chế nguy cơ tụt hậu?
“Về nhiệm vụ 5 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập rất sâu, nhưng dự thảo văn kiện chưa làm rõ những đặc thù của giai đoạn tới. “Chúng ta phải xác định rõ được định hướng phát triển của mình. Trong mô hình tăng trưởng tới đây, định hướng CNH-HĐH cần nhấn mạnh hơn khía cạnh hiện đại hóa, hướng đến những đô thị hiện đại chứ không chỉ “nhăm nhăm” vào những dự án sắt thép, xi măng, thiếu công nghệ”-PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị cần phải có giải pháp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế nhưng không được để lệ thuộc kinh tế các nước. Muốn làm được điều này chúng ta phải có những năng lực lớn và văn kiện phải chỉ ra được.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) |
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc tụt hậu xa hơn là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chưa chú ý đúng mức đến vấn đề khoa học công nghệ, nhân lực. Để hạn chế nguy cơ tụt hậu, cần tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia, như là một nhiệm vụ then chốt được nêu trong văn kiện. Vì nếu không tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ thì không thể phát triển theo hướng được.
Cùng nhận định này, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng tụt hậu về khoa học công nghệ còn do Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế hội nhập quốc tế.
“Chúng ta mới chỉ chú ý đến hội nhập thương mại đầu tư mà chưa quan tâm đến hội nhập khoa học công nghệ, trong khi khoa học công nghệ mới là động lực để chúng ta phát triển nhanh, bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Những chính sách hỗ trợ về đầu ra cho khoa học công nghệ cần đủ mạnh, như vậy mới thu hút được doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ”- ông Bùi Quang Tuấn nói./.