Xử lý sai phạm, phải không có “vùng cấm” với bất kể ai!

VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, xử lý sai phạm, phải không có “vùng cấm” với bất kể ai. Phải chỉ ra và xử lý công khai ai “chạy chức, chạy quyền”, ai "bán chức, bán quyền"

“Về cơ bản, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng đã thể hiện đầy đủ, sâu sắc kết quả sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực đời sống xã hội trong 5 năm qua. Dự thảo báo cáo được thể hiện về cơ bản sát với đời sống xã hội, với mục tiêu xây dựng đất nước trong nhiệm kỳ. Các thành quả đạt được là điều khẳng định và phần nào tạo được sự phấn khởi trong toàn xã hội”- TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, Chi Hội nữ trí thức trường Đại học Thương mại nhận xét.

Cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, yếu kém

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, báo cáo cần làm rõ những thành quả nổi bật nhất, có ý nghĩa quan trọng trong cả nhiệm kỳ, cần làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nhiệm kỳ XI. Có như vậy mới có các giải pháp thiết thực để khắc phục trong nhiệm kỳ tiếp theo.

TS Nguyễn Thị Xuân Thảo cho rằng, trong báo cáo Chính trị đã nêu tổng quát những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đây không chỉ là hạn chế, khuyết điểm của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn là của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình mục tiêu của Nhà nước, Chính phủ. “Có lẽ đây là khâu yếu nhất trong lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ. Vì vậy đảng viên mong muốn trong Đại hội XII của Đảng các giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước phải được thảo luận sâu sắc, nghiêm túc”.

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, thực tế trong thời gian qua, cơ cấu tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước các cấp còn cồng kềnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện hội nhập hiện nay. Đặc biệt, tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội và là nguyên nhân làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
GS Trần Ngọc Hiên

GS Trần Ngọc Hiên, nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhận định, văn kiện Đại hội lần này không những quyết định đến diện mạo đất nước trong những năm sắp tới, mà còn quyết định và thử thách vai trò của Đảng cầm quyền. Vì thế những người soạn dự thảo cần có phương pháp mới gắn liền với tầm nhìn mới, đó là phương pháp hệ thốn để nhìn rõ sự thật vốn phức tạp hiện nay thể hiện trong các mối quan hệ, trong đó khâu theo chốt là mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận xét, hiện nay bộ máy Nhà nước các cấp vẫn “kềnh càng, trùng lắp’. Sự lãnh phí, phô trương, nhất là ở các lễ hội, lễ tuyên dương… đang gây phản cảm với người dân. Chất lượng con người đảng viên và hệ thống tổ chức của Đảng đang bộc lộ nhiều việc xa rời cuộc sống…

Không có “vùng cấm” đối với bất cứ ai khi xử lý sai phạm

Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, dự thảo nên  tập trung đề ra mục tiêu, các nhiệm vụ lớn cho phù hợp với giai đoạn ngắn 5-10 năm và đi sâu vào các giải pháp, phương thức thực hiện. Trong đó làm rõ cách thức Đảng lãnh đạo và tổ chức triển khai để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. “Không nên đi chặng đường quá dài. Các mục tiêu cần có tiêu chí để kiểm tra đánh giá, làm căn cứ giám sát và có thể điều chỉnh bằng các giải pháp phù hợp”.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, để khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ XI, đồng thời lấy lại được lòng tin của nhân dân, trong nhiệm kỳ tới cần có các giải pháp thiết thực, đột phá trong việc chấn chỉnh, đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

“Điều quan trọng trong lãnh đạo của Đảng là phải xử lý quyết liệt, triệt để nạn tham nhũng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần có thái độ nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa bằng hành động thực tiễn. “Trong việc kỷ luật đảng viên, cán bộ sai phạm phải không có “vùng cấm” đối với bất cứ ai”- TS Nguyễn Thị Xuân Thảo đề xuất.

Theo TS Nguyễn Thị Xuân Thảo, một vấn đề cũng đang là lo ngại không nhỏ đối với đảng viên và nhân dân là tình trạng chạy chức chạy quyền, nhất là trong các kỳ Đại hội, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, các đợt thay đổi nhân sự… “Chạy “chức nhỏ” đã là vấn đề bức xúc thì chạy “chức to” thực sự là vấn đề nhức nhối hiện nay. Đảng viên và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng phải làm rõ, phải xử lý công khai, nghiêm túc, ai là đối tượng “chạy chức, chạy quyền” và ai là đối tượng “bán chức quyền”. Nên công khai kỷ luật những cán bộ cao cấp nếu vướng vào sai phạm này. Có như vậy dân mới yên, niềm tin vào Đảng, Nhà nước mới thực sự bền vững”.

GS Trần Ngọc Hiên cũng cho rằng, đổi mới công tác tổ chức cán bộ là khâu trung tâm để bảo đảm chiến lược phát triển của Đảng được thắng lợi. Để đáp ứng yêu cầu nên làm rõ tiên chí cán bộ các cấp, tiêu chí người đứng đầu. Cần có cuộc troa đổi về hệ thống tiêu chí này, phải đáp ứng yêu cầu phát triển những năm có tính bước ngoặt của đất nước từ 2016 trở đi. Các tiêu chí được xác định từ nhận thức rõ những thách thức và cơ hội trước mắt của nước ta trong hội nhập.

 “Nhìn vào nội lực của Đảng và dân tộc, thì tuyển chọn người xứng đáng phải căn cứ vào tiêu chí, chứ không nên chỉ dựa vào tuổi tác, dân tộc, vùng miền, nam nữ. Đây là bước đi dũng cảm của Đảng, có vai trò và trách nhiệm trước dân tộc, khắc phục “lợi ích nhóm” và tư duy cũ về chọn cán bộ. Đảng mạnh, đất nước mạnh lên đều bắt nguồn từ khâu cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp”- GS Trần Ngọc Hiên nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên