Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai:

Đánh giá khách quan, minh bạch về chính sách dân tộc

Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất sẽ chính thức khai mạc vào ngày 30/11 này. Đây là đại hội điểm của cả khu vực Tây Nguyên và miền Trung, vì thế từ khâu tổ chức đến nội dung của đại hội đang được chuẩn bị chu đáo

Phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Nguyễn Khoa Lai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai liên quan đến Đại hội lần này:

PV: Thưa ông, Gia Lai là 1 trong 3 địa phương của cả nước được Trung ương chọn làm đại hội điểm Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đến nay  như thế nào?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Chúng tôi đã tổ chức đại hội cấp huyện xong từ 20/10. Sau đó chúng tôi rút kinh nghiệm để tập trung chuẩn bị cho đại hội cấp tỉnh. Công tác chuẩn bị cho đại hội cấp tỉnh đến nay đã cơ bản xong. Vấn đề nhân sự, công tác tuyên truyền, chuẩn bị đón đại biểu về dự đại hội, công tác chuẩn bị tại hội trường chính, công tác tổ chức ngoài lề đại hội và chuẩn bị cho dạ hội,... đến nay đã cơ bản xong.

PV: Về hình thức tổ chức, đại hội này có khác gì so với các đại hội thông thường không thưa ông?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Đại hội này có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ được tổ chức nghiêm trang, tiết kiệm nhưng có hiệu quả. Còn phần hội thì làm sao để đồng bào được phấn khởi, vui vẻ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, giao lưu giữa đồng bào với cán bộ lãnh đạo các cấp, để tạo nên sự hưng phấn, nhất là để đồng bào cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để bà con tiếp tục tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

PV: Một trong những nội dung quan trọng nhất của đại hội là đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn trong thời gian qua. Vậy, nội dung này sẽ đại hội bàn thảo với tinh thần như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Chúng ta phải đánh giá, rà xét lại, xem trong cơ chế chính sách có những ưu, khuyết điểm như thế nào. Cái quan trọng là chúng ta phải thấy được mặt chưa tốt, nhất là trong phương pháp tiếp cận, cơ chế, trong tổ chức thực hiện; cần phải phát hiện mặt trái, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới là rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá một cách công khai minh bạch trước đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nhà nước sai thì phải thừa nhận, phía cộng đồng cũng nhận thấy được mặt yếu kém của mình để tự thân vận động, tự sửa chữa vươn lên.

PV: Xin ông cho biết, tại đại hội này, thành tích của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai qua các thời kỳ cách mạng sẽ được tuyên dương như thế nào?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Công tác thi đua khen thưởng thì chúng tôi đã triển khai khá rầm rộ. Qua đại hội cấp huyện, đã khen thưởng trên 300 tập thể, gần 700 cá nhân. UBND tỉnh đã khen thưởng 61 tập thể, gần 200 cá nhân và đề nghị Trung ương khen thưởng 4 tập thể, 5 cá nhân và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 34 trường hợp. Làm sao để tuyên dương  đồng bào, để bà con tiếp tục tham gia phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong thời gian tới.

PV: Mục đích của đại hội là nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc. Vậy làm sao để tin thần của đại hội được lan tỏa trong đời sống nhân dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Ý nghĩa nhất là sau đại hội, các đại biểu sẽ về với cộng đồng, thông báo về tình hình đại hội như thế nào, Đảng và Nhà nước quan tâm như thế nào? Họ tự tuyên truyền trong cộng đồng, vận động bà con tiếp tục thi đua yêu nước, tiếp tục tin tưởng, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước. Thứ hai là hệ thống chính trị cơ sở, sau đại hội phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tinh thần này, làm sao tạo được sự lan tỏa, sâu lắng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên