Tham gia kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp ngoại nắm giữ không quá 35% cổ phần
VOV.VN - Bộ Công Thương kiến nghị cần phải nghiên cứu, đánh giá tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư ngoại, nếu cần có thể bỏ nội dung này ra khỏi Dự thảo.
Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương đề cập nhiều đến quy định: “Cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%” và cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm quy định này. Nếu cần thiết có thể bỏ nội dung này ra khỏi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Theo Bộ Công Thương, nội dung quy định “Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%” là nội dung gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Các Bộ Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cho rằng đây là quy định mới, gây lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài.
Lập luận của Bộ Công Thương cho rằng, quy định này mới đưa vào Nghị định nhưng thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn nhà nước như Petrolimex (đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài 20%), PVOil (35%), BSR (49%),... thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương trước khi thực hiện. Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh, hoạt động bình thường.
“Việc đưa nội dung quy định này vào dự thảo còn là để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ hồi tháng 3/2016 về phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex”, Bộ Công Thương giải thích.
Ngoài ra, quan điểm của Bộ Công Thương cho rằng, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, qua đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
“Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất am hiểu và tuân thủ theo các quy định, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ quan quản lý rất lúng túng khi thương thảo với họ về việc đầu tư, phát hành tăng vốn; đặc biệt là việc thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán”, Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại.
Do đó, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, biệc quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, song vẫn hạn chế được mức độ can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước./.