Đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đồng bộ lưới điện Sơn La

Đến tháng 8/2010 sẽ hoàn thành xây dựng đường dây 500kV Sơn La-Hoà Bình-Nho Quan, hoàn thành trạm biến áp 500kV Sơn La và đường dây đấu nối từ trạm biến áp Sơn La vào nhà máy Thuỷ điện Sơn La.  

Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan và đường dây 500 kV Sơn La- Phú Thọ - Hiệp Hòa. Đây là hai công trình trọng điểm cấp quốc gia, được triển khai đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La nhằm truyền tải điện năng cho các phụ tải từ Nhà máy Thủy điện Sơn La và các nhà máy thủy điện lớn trong khu vực Tây Bắc vào hệ thống điện quốc gia. Dự án triển khai từ tháng 12/2008.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

PV: Tổ máy 1 Nhà máy Thuỷ điện Sơn La sẽ vận hành vào cuối năm 2010. Liệu Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia triển khai xây lắp đường dây 500KV có đảm bảo tiến độ đề ra, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm

Ông Trần Quốc Lẫm: Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phấn đấu đến tháng 8/2010 sẽ hoàn thành xây dựng đường dây 500kV Sơn La – Hoà Bình – Nho Quan, hoàn thành trạm biến áp 500kV Sơn La và đường dây đấu nối từ trạm biến áp Sơn La vào nhà máy Thuỷ điện Sơn La.

Đến nay, việc đào, đúc móng cột cơ bản hoàn thành và dựng khoảng 80% số cột trên toàn tuyến. Trong tháng 1/2010 tiến hành kéo dây trên toàn tuyến.

PV: Trong quá trình triển khai dự án, Tổng Công ty gặp những khó khăn, trở ngại nào?

Ông Trần Quốc Lẫm: Đường dây 500kV Sơn La-Hoà Bình-Nho Quan dài khoảng 180km. Khi triển khai dự án, Tổng công ty chủ động làm việc với các địa phương có đường dây đi qua, đặc biệt là tỉnh Sơn La, Hoà Bình và tỉnh Ninh Bình.

Liên quan đến đường dây 500kV Sơn La-Phú Thọ-Hiệp Hoà, Tổng công ty đã làm việc với tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang để phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, các Hội đồng đền bù, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng cho các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Hiện nay, Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia nhận được sự ủng hộ của các địa phương cũng như những hộ dân có đất bị thu hồi trong triển khai xây dựng 2 đường dây trọng điểm quốc gia này.

Cột điện 500kV dưới chân Nhà máy Thuỷ điện Sơn La

Hệ thống cột điện 500kV xây dựng qua huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình


PV:
Thưa ông, được biết nguồn vốn cho dự án là rất lớn. Liệu Tổng công ty có đảm bảo để công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra?

Ông Trần Quốc Lẫm: Dự án đồng bộ lưới điện Sơn La, thực hiện nhiệm vụ truyền tải điện cho các phụ tải từ Nhà máy Thủy điện Sơn La và các nhà máy thủy điện lớn trong khu vực Tây Bắc, gồm có 5 dự án: Trạm biến áp 500kV Sơn La; Trạm biến áp 500kV Hiệp Hoà; đường dây 500kV Sơn La – Hoà Bình – Nho Quan; đường dây 500kV Sơn La – Phú Thọ - Hiệp Hoà; đường dây đấu nối Trạm 500kV với Nhà máy Thuỷ điện Sơn La.

Năm 2009, Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia hoàn thành, đóng điện đường dây A Vương – Hoà Khánh phục vụ truyền tải công suất từ Nhà máy thủy điện A Vương (Quảng Nam) về Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh (Đà Nẵng), hòa lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó là đóng các đường dây liên quan đến cụm đồng bộ của Thuỷ điện Sê San 3, 4 và Preikrong; đóng đường dây 220kV Krông Búk – Buôn Kuốp để phục vụ toàn bộ cụm thuỷ điện khu vực Đắc Lắc. Ngày 31/12/2009, hoàn thành đóng đường dây 500kV Quảng Ninh - Thường Tín. Đây là đường dây huyết mạch ở phía Bắc để tải hết công suất của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng.

Trong đó, tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến đường dây 500kV Hoà Bình – Nho Quan khoảng 2.600 tỷ đồng; đường dây Sơn La – Phú Thọ - Hiệp Hoà khoảng 2.800 tỷ đồng; Trạm biến áp 500kV Sơn La là 1.100 tỷ đồng.

Tại Trạm Hiệp Hoà lắp đặt 2 máy biến áp, công suất mỗi máy 900kVA với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là trạm được lắp máy biến áp có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nguồn vốn đầu tư các dự được vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các Ngân hàng thương mại trong nước và vốn đối ứng của Tổng Công ty. Hiện các hiệp định vay đã có hiệu lực, Tổng Công ty đang triển khai đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á để giải ngân phù hợp với tiến độ của các dự án, tạo điều kiện cho các đơn vị xây lắp có vốn để thực hiện dự án tiếp theo./.

PV: Xin cảm ơn ông !

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên