Đề nghị làm rõ lý do bộ trưởng, thủ trưởng “ít tiếp công dân, ủy quyền nhiều”
VOV.VN - Trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, song, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu.
Vấn đề này được nêu ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, tại phiên họp 27, chiều 11/10.
Chuyển biến tích cực
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, phần lớn Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó hầu hết các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng.
Đối với cơ quan hành chính các cấp, số vụ việc khiếu nại đã giải quyết (17.421 vụ việc) nhiều hơn 23% so với năm 2022 (14.156 vụ việc), trong đó tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương tiếp tục duy trì đạt cao, trên 90%. Việc tổ chức đối thoại của người có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại được quan tâm hơn, ngày càng đáp ứng tốt hơn quy định và gắn với hiệu quả giải quyết vụ việc.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện tiếp công dân 143 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định) với 317 lượt công dân được tiếp (bao gồm: tiếp định kỳ, tiếp đột xuất, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân), trong đó trực tiếp tiếp công dân 65 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 78 ngày, chiếm 55% tổng số ngày tiếp công dân đã thực hiện.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tiếp công dân 793 ngày (đạt 112% số ngày tiếp theo quy định). Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tiếp công dân 16.135 ngày (đạt 103%). Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện tiếp công dân 338.138 ngày (đạt 83%). TAND các cấp đã tiếp 285 lượt người (314 người) về 253 vụ việc…
Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao.
Chính phủ cũng dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Làm rõ việc “tiếp ít, ủy quyền nhiều”
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác này của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, TAND, VKSND các cấp và Kiểm toán nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Qua xem xét số liệu cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
“Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”- ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo trong báo cáo của Chính phủ, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, số tố cáo tiếp có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành; công khai báo cáo Quốc hội. Bà cho rằng, nếu có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ “địa chỉ” cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp; từ đó giúp cho công tác này ở các nơi này có chuyển biến.
Còn theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, thực tế có nhiều người đứng đầu địa phương đúng là rất bận, nhưng cũng không dành thời gian tiếp công dân theo quy định. Nhiều cử tri phản ánh về việc bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp công dân.
“Theo quy định, mỗi tháng người đứng đầu cấp uỷ tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương đảm bảo việc này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vậy, chủ yếu là giao cấp phó làm thay”, ông Bùi Văn Cường thông tin.
Trước đề xuất công khai người đứng đầu tiếp công dân không đảm bảo quy định, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng “thì tốt, nhưng cũng rất nhạy cảm, tế nhị”, nên thay vào đó cần có quy định để buộc các đơn vị giải trình để họ phải thay đổi, quan tâm hơn đến việc tiếp công dân.