Đề xuất giảm nhẹ tội cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi
VOV.VN - Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết: "Xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi; đồng thời phân hóa, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi".
Sáng 8/11, Quốc hội nghe Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao.
Đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức
Trình bày báo cáo, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
VKSND tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
“Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục” – ông Lê Minh Trí nói.
Theo Viện trưởng VKSND tối cao, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần phân định, có chính sách xử lý phân hoá như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục.
Ông cũng một lần nữa đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Tòa án xét xử 188 vụ liên quan phòng chống dịch Covid-19
Trong khi đó, báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra.
Trong năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Tòa án đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác.
Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Chánh án TAND tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật này. Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.
Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TAND tối cao và các TAND cấp cao phải giải quyết là 13.463 đơn/vụ; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra./.