Đền thờ Bác Hồ trên quê hương Long Đức anh hùng

VOV.VN - Với truyền thống cách mạng, đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân Long Đức nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, lao động sáng tạo để kiến thiết quê hương trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 2013

Những năm tháng chiến tranh, xã Long Đức, TP Trà Vinh (Trà Vinh) đã hứng chịu nhiều trận mưa bom, bão đạn nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trì, dũng cảm chống giặc, xây dựng được Ðền thờ Bác đầy tự hào. Nay chiến tranh đã lùi xa, quê hương ngày càng đổi mới, phát triển; phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Đức tiếp tục nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Xã Long Đức trước đây là vùng căn cứ địa cách mạng, chở che quân giải phóng, làm bàn đạp cho bộ đội tấn công giải phóng Trà Vinh. Chính vì vậy, Long Đức thường xuyên bị địch càn quét hòng triệt phá lực lượng cách mạng ở đây.

Dù ở trong vùng bị địch kìm kẹp khắc nghiệt, nhưng khi hay tin Bác mất, nhân dân Long Đức chẳng ai bảo ai, đêm đêm mọi nhà đều thắp nén nhang để tưởng nhớ đến Người. Trước tấm lòng của nhân dân, Thị ủy Trà Vinh đã đề xuất xây dựng Đền thờ Bác trên vùng quê Long Đức. Ngày 10/3/1970, Đền thờ Bác – công trình biểu tượng tấm lòng trung kiên của người dân Trà Vinh được khởi công xây dựng.

Ông Lê Văn Gắng, lão thành cách mạng, nguyên Xã đội trưởng xã Long Đức trước giải phóng – người sinh ra và lớn lên tại vùng đất anh hùng này cho biết: “Hết xã Long Đức này là vùng giải phóng, dữ dằn lắm mà dân cũng bám lại. Từ đền thờ Bác tới Dinh tỉnh trưởng chưa được 7 cây số đi bộ, còn đường chim bay không có bao nhiêu hết. Còn từ đền thờ tới đồn giặc chưa được 300m, vậy mà dân quân du kích tập hợp lại, dân cho gạo, cho đồ ăn để dựng đền thờ, chị em thì nấu cơm. Bị lính đốt, người dân kiên trì dựng lại”.

Với truyền thống cách mạng, đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân Long Đức nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, lao động sáng tạo để kiến thiết quê hương trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 2013. Cuối năm 2020, Long Đức tiếp tục được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị diện tích đất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Kết quả đến nay, toàn xã có gần 1.600 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp được chuyển sang trồng bưởi da xanh, dừa xiêm, dừa Mã lai kết hợp nuôi gà thả vườn, trồng hoa kiểng… mỗi năm cho thu nhập từ 120 - 250 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Linh ở ấp Công Thiện Hùng, là người đi đầu mô hình gà-cá-heo có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, phấn khởi cho biết: “Ở đây cầu đường, điện nước giờ có đủ, 2 bên lộ trồng hoa, nếu so với trước đây đẹp hơn nhiều. Đời sống của người dân nhìn chung cũng khá, người dân có nhận thức cao hơn, trình độ sản xuất cũng cao hơn; hộ nghèo rất ít, trong khi hộ khá lại rất nhiều, chỉ còn những hộ có hoàn cảnh quá đặc biệt mới không thoát nghèo được thôi”.

Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, xã Long Đức đã huy động gần 1.448 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân; trong đó có hơn 40 tỷ đồng do người dân đóng góp. Từ nguồn lực này, địa phương chú trọng các giải pháp nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã Long Đức đến cuối năm 2020 đạt hơn 60 triệu đồng/người, chỉ còn 37 hộ nghèo, giảm 324 hộ so với trước khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. 

Ông Lê Văn Gắng, lão thành cách mạng - người trực tiếp chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình chia sẻ: “Ngày xưa hết xã Long Đức này rừng dữ lắm nên bây giờ mà nói làm đường người dân hiến đất liền. Người ta nói lúc chiến tranh đường đi lầy lội, bây giờ đường xá nhà nước và nhân dân cũng làm, lộ nhựa, lộ đan đi khỏe, con cháu đi học dễ dàng. Trong xã này đường lớn là nhựa, còn vô sâu là đan hết; trước đây rộng 1,5m bây giờ lên 2,5-3m. Nói chung trong xã Long Đức không nơi nào còn đường đất nữa. Nông thôn ở đây giờ phát triển lắm”.

Theo Phó tịch UBND xã Long Đức, ông Trần Thanh Quang, có được những kết quả phát triển khá toàn diện như hiện nay là do cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, người dân cùng phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó. Các chương trình hành động của Đảng ủy đề ra phù hợp, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, cán bộ tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết vụ việc phát sinh. Xã đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu trở thành xã nông thôn kiểu mẫu, không còn hộ nghèo, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

“Từ khi phát động xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã đều chấp hành tốt chủ trương, tích cực đóng góp cùng với địa phương. Trong thời gian tới để xứng đáng với những công lao của cha, anh, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để xã Long Đức anh hùng, Đảng bộ và chính quyền xã Long Đức, quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, để đời sống của nhân tiếp tục nâng cao”, ông Trần Thanh Quang cho biết.

Trong kháng chiến, người dân Long Đức anh dũng trong chiến đấu, còn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thì Đảng bộ và nhân dân đã phát huy được truyền thống của một xã anh hùng, ra sức thực hiện các tiêu chí. Chính từ sự quyết tâm này mà chỉ hơn chục năm, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân Long Đức đã có sự đổi thay rõ nét, với niềm tin không bao lâu nữa sẽ xây dựng thành công xã nông thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Trà Vinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Già làng A Bơ học tập và làm theo Bác Hồ
Già làng A Bơ học tập và làm theo Bác Hồ

VOV.VN - Là một điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, già làng A Bơ là tấm gương, là người dẫn dắt cho người dân làng Tua Tem.

Già làng A Bơ học tập và làm theo Bác Hồ

Già làng A Bơ học tập và làm theo Bác Hồ

VOV.VN - Là một điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, già làng A Bơ là tấm gương, là người dẫn dắt cho người dân làng Tua Tem.

Về Nguyên Bình, xúc động nghe kể về "Bác Văn" - Đại tướng của lòng dân 
Về Nguyên Bình, xúc động nghe kể về "Bác Văn" - Đại tướng của lòng dân 

VOV.VN - Đáp lại tình cảm ấy, các dân tộc ở Nguyên Bình nói riêng và quê hương cách mạng Cao Bằng nói chung đều coi Đại tướng như người con của quê hương mình, dân tộc mình với cái tên gần gũi: bác Văn, vị Đại tướng của lòng dân.

Về Nguyên Bình, xúc động nghe kể về "Bác Văn" - Đại tướng của lòng dân 

Về Nguyên Bình, xúc động nghe kể về "Bác Văn" - Đại tướng của lòng dân 

VOV.VN - Đáp lại tình cảm ấy, các dân tộc ở Nguyên Bình nói riêng và quê hương cách mạng Cao Bằng nói chung đều coi Đại tướng như người con của quê hương mình, dân tộc mình với cái tên gần gũi: bác Văn, vị Đại tướng của lòng dân.

Mùa Thu tháng Tám trong ký ức người dân Việt Bắc
Mùa Thu tháng Tám trong ký ức người dân Việt Bắc

VOV.VN - Việt Bắc tự hào là thủ đô kháng chiến, một trong những căn cứ địa vững chắc chở che và xây dựng lực lượng Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Mùa Thu tháng Tám trong ký ức người dân Việt Bắc

Mùa Thu tháng Tám trong ký ức người dân Việt Bắc

VOV.VN - Việt Bắc tự hào là thủ đô kháng chiến, một trong những căn cứ địa vững chắc chở che và xây dựng lực lượng Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.