Diễn đàn "Kết nối tài năng Việt"

Với chủ đề “Tài năng Việt giữa hai thế hệ”, diễn đàn Tài năng trẻ diễn ra lúc 14 h hôm nay (12/9), tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội là một trong những chương trình quan trọng của Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. 

Diễn đàn là dịp để các đại biểu trao đổi, đối thoại với các khách mời danh dự của Đại hội – các thành viên của Hội Đồng bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam về kinh nghiệm, ước mơ và hoãi bão.

Các thành viên Hội đồng đều là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các doanh nhân hàng đầu của Việt Nam, những tài năng đã thành danh của thế hệ đi trước như: ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; GS.VS. Đào Trọng Thi; GS.VS. Đặng Vũ Minh; GS. TS .Võ Tòng Xuân, GS.TS Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội; ông Dương Viết  Roãn, Chủ tịch HĐQT Cty Cenco 5; ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PetroVietnam; PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT; TS. Trần Quý Thanh, Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát; ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Công ty Cà phê Trung Nguyên; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Kinh Bắc...

Chủ đề của xuyên suốt của diễn đàn hôm nay là cuộc hành trình “tìm ngọc”. Tại Diễn đàn này, các đại biểu tài năng trẻ sẽ trao đổi, đối thoại với các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các doanh nhân…

Mở đầu cho phần giới thiệu đại diện các tài năng trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn là tài năng trẻ của môn võ cổ truyền Việt Nam - bạn Lê Thanh Sang đến từ thành phố Hồ  Chí Minh.

 

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từng phải đi bán vé số kiếm tiền, qua những lần đi bán vé số, vô tình đi qua lớp học võ thuật, Sang đã phát hiện niềm đam mê đối với võ thuật. May mắn được một võ sư nhận về nuôi và đào tạo, Sang đã quyết tâm rèn luyện và có được những thành tựu hôm nay.

Tiếp đến là phần giao lưu với một tài năng trẻ ở ngành công an. Chia sẻ về hoàn cảnh phát lộ tài năng đặc biệt, anh Hoàng Văn Định, công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đó chính là nhờ sự tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

 

Anh cho biết, năm 1999, sau khi ra trường, anh được phân công công tác tại Phòng điều tra trọng án Công an tỉnh Quảng Ninh. Thông thường, công việc điều tra trọng án là công việc rất khó, đòi hỏi các điều tra viên phải có thâm niên 3 năm trở lên mới tham gia công tác điều tra. Tuy nhiên, dịp Noel năm 2000 tại thành phố Hạ Long xảy ra vụ án mạng, anh đã may mắn được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng giao nhiệm vụ phá vụ trọng án này. Và thành công đã đến với anh.

Nhân vật tiếp theo trong cuộc giao lưu tại Diễn đàn là bác sĩ quân y Nguyễn Trần Ngọc Hiếu.

 

Chia sẻ niềm đam mê của mình, chị Hiếu cho biết, từ những năm 1990, khi còn là học sinh lớp 4-5, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sức khoẻ của nhiều người thân trong gia đình không tốt, đặc biệt được chứng kiến cái chết của một người bạn do bị sốt xuất huyết, Hiếu đã nuôi ước mơ từ đó và thi vào Đại học quân y, bởi theo Hiếu đây là môi trường tốt để rèn luyện và trưởng thành.

Tại Diễn đàn, đa số các bạn trẻ và những gương mặt tài năng trẻ đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đề trở thành người tài là niềm đam mê công việc, môi trường làm việc và sự quan tâm của những người lãnh đạo. Đặc biệt, đối với một người tài, không thể không nhắc đến sự chia sẻ của mình đối với mọi người. 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mở đầu cho phần giao lưu với các tài năng thế hệ đi trước. Trả lời câu hỏi "Ông có suy nghĩ gì về câu chuyện của 3 tài năng trẻ là các bạn Sang, Định và Hiếu?", ông Vũ Khoan cho rằng cả 3 câu chuyện ấy đều cho thấy cái gì đã tạo nên người tài. Ông Vũ Khoan nói: “Tài năng là do trời phú, nhưng khả năng đó chưa đủ, mà con người ta còn phải cố gắng học tập, rèn luyện mới trở thành người tài. Có khả năng trời phú, có công học hành, câu chuyện của 3 bạn trẻ vô tình chỉ ra 3 nhân tố tạo nên nhân tài.

 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và GS.VS Đào Trọng Thi giao lưu cùng với các tài năng trẻ

Chia sẻ về thời thanh niên của mình, ông Vũ Khoan thẳng thắn nói rằng ông không phải là người tài năng, mà chỉ may mắn. Ông kể lại, trong thời gian đầu khi làm việc ở Bộ Ngoại giao, được phân công vào nhóm nghiên cứu để đưa ra đề xuất chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, thủ trưởng của ông lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch có nhận xét về ông: “Thằng này chịu khó, mày mò, có nhiều sáng kiến, độc lập… nhưng hay cãi”. “Tôi may mắn có những yếu tố đó. Tuy nhiên không phải cứ cãi là người tài năng đâu, mà phải cãi có lý”, ông Vũ Khoan nói.

Một đại biểu sinh viên đặt câu hỏi "Ở thời kỳ của bác, để phát hiện người tài năng, phải làm thế nào?" - Ông Vũ Khoan nói: “Thế hệ chúng tôi có may mắn là phải trải qua rất nhiều thử thách, tuy không phải hy sinh xương máu nhưng đòi hỏi phải có trí tuệ. Nhân tố thứ hai, thời ấy, tôi cũng hy vọng thời nay cũng vậy, phải có những người biết sử dụng và dám sử dụng người tài. Tôi cho rằng những người tài ở thời trước có nhiều đó là đã đáp ứng được 2 yếu tố trên.

Một sinh viên ở Đại học Singapore hỏi "Khi trẻ, bác có nghĩ sau này sẽ trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ hay không?" - ông Vũ Khoan nói: "Hoàng đế Napoleon nói rằng, mỗi người lính phải có tham vọng. Nếu bạn nghĩ bạn sẽ lên chức vụ nào, thì anh sẽ không thể trở thành người. Nhưng cơ bản anh phải có tham vọng, tri thức không gì có thể thay thế được. Hãy nuôi khát vọng, đừng tham vọng - đó là lời khuyên của tôi dành cho bạn”.

Về môi trường để cống hiến, ông Vũ Khoan cho rằng, môi trường nào cũng tốt nếu mỗi người có hoài bão. Nhưng thực tế hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước chưa tạo động lực cả về vật chất và tinh thần cho cống hiến. Đây là vấn đề cần sớm được các cơ quan quan tâm.

 

Một sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, công tác tìm kiếm nhân tài còn yếu, như thế sẽ lãng phí nhân tài và chúng ta phải làm thế nào để tránh lãng phí? Ông Vũ Khoan cho rằng câu trả lời nằm trong ngay câu hỏi. Nếu không sớm sửa khâu sử dụng thì nhân tài sẽ lãng phí vô cùng, và dòng chảy chất xám sẽ chưa thể ngừng chảy. Biện pháp để sử dụng nhân tài cho phù hợp với dòng chảy hiện nay, nhân tài ở mỗi lĩnh vực, mỗi thời điểm đều rất khác nhau... Nghĩa là người sử dụng nhân tài phải dám và biết sử dụng nhân tài, không sợ nhân tài lấn át mình. Đã dùng người tài là không được đố kỵ, phải có chế độ, chính sách ưu đãi cho người tài và phải tôn trọng người tài. Thường người tài là có tật, những cái tật nhỏ có thể lượng thứ, giúp đỡ họ chỉnh sửa, phải tập trung vào yếu tố tài năng của người.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát hiện nhân tài, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cách đây hơn 10 năm, trường Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai đề tài đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Nguyên do bởi thời điểm ấy các môn khoa học cơ bản chưa được thật sự chú trọng; phần lớn học sinh đều có xu hướng theo học các ngành xã hội, hoặc các ngành học như quan hệ quốc tế, ngoại thương… Các bậc cha mẹ cũng hướng con em mình theo học những ngành này. Trong khi đó, tiềm năng học sinh giỏi môn khoa học cơ bản có rất nhiều nhưng chưa được phát lộ và không có điều kiện để bộc lộ.

Quá trình “tìm ngọc” khi ấy được trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo hình thức tuyển chọn học sinh giỏi từ các khối trường chuyên cơ sở, các trường năng khiếu; phát hiện qua các cuộc thi học sinh giỏi hay qua các lớp đào tạo ngoại khóa… Khi có trong tay lớp “mầm tài năng” ấy, nhà trường đã tập trung chú trọng đào tạo, bồi dưỡng. Sau khi kết thúc khóa học ở trường, những lớp sinh viên tài năng ấy được nhà trường hướng tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước để có thể vừa học hỏi vừa làm việc.

Từ đó đến nay, hàng năm, Đại học Quốc gia có hàng trăm sinh viên chính quy tham gia các khóa học này. Và mô hình đào tạo cử nhân khoa học tài năng không chỉ được thực hiện tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội mà được nhân rộng thực hiện tại nhiều trường đại học trong cả nước.

“Mấu chốt quan trọng trong hành trình tìm “Ngọc”, đầu tiên đó là phát hiện, sau đó là đào tạo bồi dưỡng và sử dụng. Trong đó, khâu đào tạo, bồi dưỡng đóng góp trực tiếp vào việc hình thành các đặc trưng, yếu tố, phẩm chất của tài năng. Bởi vậy vai trò của nhà trường trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và phát triển tài năng là vô cùng quan trọng”, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Để tài năng toả sáng

Tìm kiếm, phát hiện được ngọc đã khó, nhưng để ngọc tỏa sáng thì phải thường xuyên được mài giũa. Đối với con người, quá trình học tập, rèn luyện cũng phải thường xuyên, liên tục và không ngừng phấn đấu.

 

Chia sẻ về điều này, nghệ sĩ cải lương Quế Trân - một trong những tài năng trẻ về môn nghệ thuật cải lương cho rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, chị phải rèn luyện từ bé. Ngay từ khi 8 tuổi, Quế Trân đã đến với nghề cải lương và phải diễn đủ các vai diễn trên sân khấu. Nhiều vai diễn khó, đòi hỏi phải toàn tâm, toàn ý và có khi phải đổ cả “xương máu”. Nhiều lúc Quế Trân mệt mỏi, muốn bỏ nghề. Nhưng được sự động viên của người cha là NSND Thanh Tòng, Quế Trân đã cố gắng theo đuổi nghề và năm 18 tuổi, Trân đã giành giải thưởng cao quý của nghệ thuật cải lương: Giải Trần Hữu Trang. 

Đến nay, Quế Trân đã có 20 năm làm nghề và giành được nhiều phần thưởng cao quý trong nghề của mình. “Điều quan trọng là phải có sự đam mê và sự kiên trì, khổ luyện” - Quế Trân tâm sự.

Gương mặt tài năng tiếp theo xuất hiện trong chương trình đó là bạn Ngô Mộng Quân. Quân chia sẻ: “Quá trình hình thành tài năng của mình chủ yếu là do công sức lao động của bản thân. Từ nhỏ đến lớn mình đều rất ham học và vì ham học nên đã có được ngày hôm nay. Trong quá trình học tập, mình luôn nhận được sự dìu dắt của thầy cô. Hiện mình đang công tác tại tại Binh chủng Hải quân. Trong quá trình học tập và công tác, mình luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, đề cao tinh thần trách nhiệm".

Tiếp nối phần giao lữu, nghệ sĩ Lê Huy Phước (quê Thanh Hóa) kể, ngày còn là một cậu học sinh trường làng, một lần đi hát đám cưới anh được người bác khuyên nên theo học trường văn hóa nghệ thuật. Khăn gói quả mướp lên trường tỉnh, anh được cô giáo nhận xét giọng của anh thì không thể theo sự nghiệp ca hát được bởi yếu tố đầu tiên để trở thành người ca sĩ là phải hát tròn vành rõ chữ, không mang âm sắc địa phương. Nhưng rồi, nhờ khổ công rèn luyện, năm 1996, anh đã đoạt huy chương vàng tại Hội thi giọng ca học sinh sinh viên toàn quốc. Sau đó anh theo học 5 năm tại Nhạc viện Hà Nội. Đến nay, sau 14 năm trong nghề, anh đã giành được 9 huy chương, trong đó có 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.

Cùng chung nhận định với các vị khách tại buổi giao lưu, “nhà phát minh” Hồng Chương, người đã phát minh ra nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp cho rằng, điều quan trọng mình phải biết nuôi dưỡng ước mơ của mình. Cùng với sự học hỏi, tìm tòi và lòng đam mê, chắc chắc những đam mê của mình sẽ được thực hiện.

Tiếp tục phần giao lưu với các thế hệ tài năng đi trước là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia. Đánh giá về vai trò của các tài năng đối với một quốc gia, bà Trần Thu Hà cho rằng với một đất nước, để phát triển hùng mạnh, tất nhiên ngoài sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, còn có sự đóng góp của tất cả các công dân, và của những người tài - những công dân chất lượng cao. Thế hệ trẻ tài năng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đất nước.

 

Bà Trần Thu Hà (ngoài cùng bên trái) và ông Dương Viết Roãn, Chủ tịch HĐQT Công ty giao thông 5
tại cuộc giao lưu

Về câu hỏi tố chất sinh viên tài năng cần có là gì? bà Trần Thu Hà cho rằng, trong lĩnh vực nghệ thuật, ngoài những yếu tố trời cho thì đó là năng khiếu, nhưng đó chỉ là khởi đầu. Từ năng khiếu để trở thành tài năng là con đường dài vô cùng gian khổ. Bên cạnh đó còn cần phải có sự đam mê, kiên trì khổ luyện, đây là những yếu tố rất lớn và quan trọng. Một yếu tố quyết định nữa trong lĩnh vực nghệ thuật là người thầy có vai trò rất quan trọng, vừa giảng dạy, định hướng cho sinh viên. Trải qua sự phấn đấu, sàng lọc khắc nghiệt, với lòng đam mê, kiên trì lao động, phấn đấu thì sẽ trở thành tài năng (trong lĩnh vực nghệ thuật).

Bà Trần Thu Hà nói: “Tôi không dám tự nhận là một tài năng, tuy nhiên tôi cũng có may mắn là hoạt động trong nghệ thuật lâu năm, được đào tạo cơ bản, xuất thân trong gia đình làm nghệ thuật. Đó là những yếu tố tốt cho tôi phấn đấu theo con đường nghệ thuật. Con đường nghệ thuật không chỉ có vẻ đẹp, lời hát, tiếng nhạc mà có cả giọt mồ hôi, nước mắt. Tài năng nghệ thuật dù được phát hiện từ nhỏ, nhưng để thành tài phải mất khoảng 20 năm và mất cả cuộc đời để tiếp tục rèn luyện”.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để một tài năng thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình, ông Dương Viết Roãn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty công trình giao thông 5 (Cienco 5) cho rằng: Muốn thể hiện sự đóng góp với xã hội thì trước hết mỗi người phải làm tốt công việc của mình. Bên cạnh đó thì mỗi cá nhân cũng nên tham gia vào các hoạt động xã hội, tham gia vào các tổ chức xã hội nghề nghiệp…

Chia sẻ quá trình tự rèn luyện bản thân, ông Dương Viết Roãn cho biết, trong 21 năm đi làm, trong đó có 15 năm làm nghề thiết kế, ông luôn nghiêm túc với công việc của mình, tranh thủ học hỏi từ những người đi trước và đặc biệt dám nhận những công việc cao hơn so với sức mình. Bởi theo ông Dương Viết Roãn, khi dám nhận công việc nặng hơn sức mình thì người ta sẽ có thêm động lực để cố gắng, phấn đấu. Và ông đã rèn luyện bản thân mình như thế.

Trong quá trình tuyển chọn và sử dụng nhân lực, ông cũng giao cho nhân viên những công việc cao hơn một chút so với khả năng họ có thể làm. “Với cách làm như vậy, tôi có thể thấy được khả năng của nhân viên có thể làm được tới đâu. Việc giao công việc như vậy có cái lợi là giúp họ phát huy hết khả năng của mình. Còn nếu mình giao công việc đơn giản thì họ sẽ không có khả năng bộ lộ tài năng”, ông Roãn nói.

Chia sẻ giải pháp để tài năng trẻ có thể tỏa sáng, thực hiện được lý tưởng mong muốn của mình, theo GS Võ Tòng Xuân, trước tiên muốn phát triển ý tưởng của mình thì mình phải là người được đào tạo cơ bản, có kiến thức. Có kiến thức chắc chắn rồi mình mới biến nó thành lý tưởng, thành giải pháp để giải quyết vấn đề vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, phải chọn được người để gửi gắm ý tưởng của mình, được người ta tiếp thu ý kiến của  mình, ủng hộ từ đó ý tưởng của mình mới có điều kiện được phát triển. Người lãnh đạo không được sợ cấp dưới giỏi hơn mình.

GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: “Cả cuộc đời của tôi là một hành trình học hỏi. Phải xác định cho mình học cái gì, phải tìm hiểu xem xã hội cần gì, ta phải làm cái gì. Bất cứ tình huống nào đều có mặt thuận lợi và khó khăn, phải thấy được để tận dụng thuận lợi và khắc phục khó khăn. Khi bạn hẹn người yêu, không biết vì lý do gì mà người yêu của bạn đến muộn, thay vì trách móc bạn hãy lấy sách ra học, học từ các thầy cô, bạn bè và học trên Interrnet, nhưng đừng lên đó để chơi game”.

Chia sẻ giải pháp để tài năng trẻ có thể tỏa sáng, thực hiện được lý tưởng của mình, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cho rằng: “Tất cả chúng ta phải tự vận động thôi. Các bạn phải tự mình lo tương lai của mình. Đấy chính là một biểu hiện của tài năng. Tôi biết nhiều bạn có kết quả học tập tốt. Nhưng theo tôi, kết quả học tập tốt chỉ là một biểu hiện của tài năng. Quan trọng hơn là kết quả học tập ấy có ý nghĩa gì với người khác? Có ý nghĩa gì với đất nước? Các bạn đã làm gì được cho đất nước chưa? Hãy nghĩ mình làm gì đó có giá trị được mọi người chấp nhận. Đó mới là đỉnh cao tài năng thật sự”.

 

Chương trình dự kiến sẽ có phần giao lưu của Giáo sư Vũ Khiêu, nhưng vì sức khỏe, Giáo sư Vũ Khiêu không đến được. Tại Diễn đàn, giáo sư gửi đến các tài năng trẻ một câu đối và cũng là lời nhắn nhủ cho các tài năng trẻ.

Trong nội dung giao lưu về giải pháp để tài năng trẻ thực hiện được mong muốn của mình, GS Võ Tòng Xuân, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, GS.VS Đào Trọng Thi và bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận đều nhấn mạnh rằng, phải có hoài bão, có khát vọng lớn, táo bạo, biết xông pha, học hỏi liên tục và sẵn sàng trước mọi thay đổi của xã hội.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, học giỏi cũng chưa quyết định đến yếu tố trở thành người tài. Điều đầu tiên cá nhân của mỗi người phải biết bộc lộ khả năng của mình, phải có một sự hiểu biết, xây dựng một mục tiêu phấn đấu là mình sẽ làm được những điều gì đóng góp cho tập thể và cộng đồng mình sinh sống.

Người trẻ tài năng cần làm gì để trở thành một tài năng có ích, Phó Thủ  tướng Vũ Khoan cho rằng, phải có khát vọng cống hiến, phải khổ luyện, phải nhận bất cứ việc gì, luôn phải hỗ trợ nhau và tìm được minh chủ. “Có thể dùng 3 từ Tâm-Tầm-Trí để nói về người tài” - Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

** Để ghi nhận và tôn vinh các đại biểu, tại Diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các tài năng trẻ.

Tối nay, sẽ diễn ra đêm giao lưu "Toả sáng tài năng trẻ", chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV2, VTV4./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên