Thành lập Hội Phát hành báo chí Việt Nam:

Định danh nghề phát hành báo chí

Hội Phát hành báo chí Việt Nam ra đời sẽ dần khẳng định phát hành báo chí là một nghề của xã hội hiện đại.

Ngày mai (10/4), tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội thành lập Hội Phát hành báo chí Việt Nam. Sau hơn 50 năm phát triển tự phát, việc thành lập hội là một nhu cầu cần thiết và cấp bách đối với ngành phát hành trong giai đoạn mới. Sự kiện này cũng góp phần định danh nghề phát hành báo chí và từng bước xây dựng văn hoá, sự chuyên nghiệp và hiện đại của hoạt động phát hành báo chí.

Phát hành báo chí ở nhiều nước trên thế giới là một ngành có tổ chức quy củ, chuyên nghiệp. Mạng lưới phân phối phủ khắp toàn quốc, mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Báo chí càng phát triển thì hệ thống phát hành báo chí càng cần được mở rộng, chuyên nghiệp, hiện đại và văn minh.

Những bất cập

Ở nước ta hiện nay, ngoài Công ty Phát hành báo chí Trung ương, có rất nhiều công ty phát hành báo chí khác hoạt động, chưa kể mỗi cơ quan báo chí lại có hệ thống phát hành riêng của mình. Do chính sách chiết khấu hoa hồng hợp lý, lại cơ động trong các phương thức vận chuyển nên hệ thống phát hành báo chí tư nhân đã giành thị phần vượt trội hơn hệ thống phát hành của Nhà nước. Các tờ báo càng có cách chiết khấu hoa hồng và các chính sách hỗ trợ tốt, càng khiến các hệ thống phân phối cạnh tranh ngặt nghèo, gây nên tình trạng nhiều tờ báo có nội dung tốt hơn nhưng lại không ăn khách và không phát hành được, trong khi những tờ mang tính thương mại hóa thì lại bán rất chạy. Cũng vì lợi nhuận trước mắt, các công ty, đại lý phát hành báo chỉ tìm những tờ báo mạnh, và những địa bàn thuận lợi để làm ăn. Vì vậy phát hành báo chí mới chỉ đến được các đô thị là chính. Một số tờ chỉ phát hành đến lãnh đạo cấp xã, còn nhiều vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp chưa được phát hành đến.

Theo công ty Nghiên cứu thị trường TNS, có tới 60 - 70% lượng báo trên toàn quốc phát hành ở TP Hồ Chí Minh.

Trong nền kinh tế thị trường, để cạnh tranh, trong hoạt động phát hành báo chí xuất hiện những mánh khoé để hạn chế nhau, để giành thị phần. Tình trạng gian dối trong việc trả lại báo, như mua lại báo cũ để chuyển thành báo trả lại làm thiệt hại cho các toà soạn, rồi tình trạng người bán báo rong chiếm dụng vốn, không thanh toán cũng đã xuất hiện và là một vấn nạn rất cần chấn chỉnh.

"Lực lượng làm công tác phát hành trước đây chỉ có một thì giờ đây có hàng trăm đơn vị, các toà soạn tổ chức phát hành, đại lý tư nhân... Chính vì thế nảy sinh tình trạng cạnh tranh không bình đẳng. Sản lượng phát hành báo chí qua hệ thống bưu điện đến vùng sâu, vùng xa, đến các đối tượng cần thụ hưởng để nắm được thông tin của Đảng, Nhà nước thì rất ít mà phần lớn tập trung ở các thành phố, thị xã. Tỷ lệ phí phát hành (phí bồi dưỡng cho người làm công tác phát hành) không đồng nhất. Tỷ lệ phí phát hành của các báo chiếm tới 22%. Đó cũng là một điều bất cập. Chưa xác định đây là một nghề, nên đội ngũ lao động chưa có tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, hiểu biết chưa cao. Xã hội cũng chưa đánh giá đúng vai trò của công tác phát hành, nên các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có chủ trương chính sách phù hợp để thúc đẩy" - Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty phát hành báo chí Trung ương bức xúc.

Tính chuyên nghiệp, tính văn hoá trong phát hành báo chí với vấn đề văn minh đô thị, văn minh công cộng cũng cần được chú trọng. Nhiều cơ sở phát hành còn quá lạc hậu. Phương tiện phát hành đa số rất thô sơ. Lực lượng phát hành nhìn chung không được đào tạo. Hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phát hành báo chí còn lỏng lẻo. Việc hợp tác phát hành báo chí của Việt Nam với các nước trên thế giới còn hạn chế.

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ phát hành

Rõ ràng, lĩnh vực phát hành báo chí của chúng ta đang có rất nhiều bất cập, tụt hậu xa so với thế giới. Chính vì thế, rất cần phải nhanh chóng hình thành một tổ chức đủ tầm, đủ lực để chấn chỉnh, thúc đẩy công tác phát hành báo chí phát triển. PGS-TS Đào Duy Quát - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban vận động thành lập Hội Phát hành báo chí Việt Nam nhấn mạnh: “Việc thành lập hội là một yêu cầu rất cấp thiết, cơ bản để đáp ứng cho hoạt động báo chí trong thời kỳ mới. Trong hơn 20 năm sau đổi mới, lực lượng phát hành báo chí đã phát triển tương đối tốt, cả Nhà nước và tư nhân đều có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển nghề phát hành. Hội ra đời là nơi để tập hợp, đoàn kết những người làm phát hành, tuyên truyền cho họ về đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước về công tác phát hành; tập hợp, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ; tổ chức, liên kết họ với nhau và liên kết với các tập đoàn phát hành nước ngoài để mở rộng mạng lưới phát hành. Khi có sự đoàn kết rồi, hội sẽ tạo môi trường, điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hoạt động có hiệu quả và thúc đẩy hoạt động báo chí".

Hội Phát hành báo chí Việt Nam hiện có hơn 100 hội viên tập thể và 400 cá nhân tham gia. Dự kiến sau đại hội, con số này sẽ tăng thành 200 hội viên tập thể và 600 cá nhân.

Hội Phát hành báo chí Việt Nam đi vào hoạt động sẽ dần khẳng định phát hành báo chí là một nghề của xã hội hiện đại. Lợi ích đó sẽ giúp nghề này đến với nhiều người, xóa bỏ dần việc bán báo lòng lề đường không văn minh, mang tới cho nghề phát hành báo chí một diện mạo mới. Phát hành báo chí sẽ trở thành một ngành văn hóa, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của báo chí nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên