“Đối tác toàn diện sẽ là khuôn khổ định hướng quan hệ Việt-Mỹ”
VOV.VN - Thông điệp lớn nhất trong triển khai quan hệ đối tác toàn diện năm qua là hai bên có lợi ích song trùng và cùng hợp tác vì lợi ích của nhân dân 2 nước.
“Quan hệ đối tác toàn diện sẽ là khuôn khổ định hướng cho quan hệ Việt-Mỹ trong nhiều thập kỷ tới”. Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về quan hệ Việt-Mỹ trong năm 2014 và các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 2015.
PV: Thưa Đại sứ, năm 2013 được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ, khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo ông thì đâu là những tiến triển rõ nét nhất trong quan hệ giữa hai nước kể từ thời điểm đó?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện đã trở thành khuôn khổ rất quan trọng, định hướng cho quan hệ hai nước. Từ đó, trong năm qua, chúng ta đã cùng với phía Mỹ triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trên toàn bộ 11 lĩnh vực ưu tiên, từ chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục cho đến an anh ninh quốc phòng và thương mại.
Thương mại song phương hiện đã đạt 35 tỷ USD, trong khi 16.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng có các chương trình hỗ trợ hợp tác giáo dục như cấp học bổng hay hỗ trợ đào tạo sinh viên tại Việt Nam và tại Mỹ.
Khuôn khổ hợp tác về quốc phòng-an ninh cũng được đẩy lên rất mạnh mà dấu mốc lớn là việc hai bên đạt được thỏa thuận về hạt nhân dân sự và Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Chúng ta đang trao đổi với Mỹ để làm sao có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. Hai bên cũng thường xuyên có các cuộc trao đổi ở cấp cao cũng như giữa các cấp bộ, ngành.
Cùng với quan hệ song phương thì quan hệ đa phương và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, chẳng hạn như trong năm nay đã có khuôn khổ hợp tác ASEAN-Mỹ.
Năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã thăm Mỹ và lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng đã thăm Việt Nam. Hai nước cũng đã tạo ra khuôn khổ tiếp tục hợp tác và tăng cường hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, chẳng hạn như tẩy độc tại các khu vực nhiễm dioxin, hay giúp đỡ về y tế cho những người bị tàn tật do hậu quả chiến tranh.
Những điều này đã tạo ra khuôn khổ hợp tác rất thực chất và trên diện rộng trong nhiều thập kỷ tới giữa hai nước, làm cho hai nước hiểu nhau hơn và đi sâu vào hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh..., đồng thời cũng tạo ra khuôn khổ hợp tác đa phương trong khu vực.
Song song với đó, quan hệ hai bên vẫn còn có những khó khăn, chẳng hạn như các rào cản phi thương mại hay sự khác biệt trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, khuôn khổ đối tác toàn diện đã tạo điều kiện để hai nước tiếp tục trao đổi thẳng thắn với nhau, cung cấp thông tin cho nhau để cùng hiểu nhau hơn.
Thông điệp lớn nhất trong triển khai quan hệ đối tác toàn diện trong năm qua là hai bên có lợi ích song trùng và cùng hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực, và trong đó Mỹ cam kết tôn trọng chế độ chính trị và độc lập chủ quyền của Việt Nam. Tôi cho rằng đó là nền tảng để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ tới.
PV: Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ vào năm 2015. Vậy đâu là những ưu tiên và trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa hai nước vào năm tới, thưa ông?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Qua chặng đường 20 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã trải qua nhiều khó khăn và đã vượt lên để đạt được khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện vào năm 2013. Đây sẽ là khuôn khổ định hướng cho quan hệ hợp tác Việt-Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Chính vì vậy mà việc đầu tiên và quan trọng nhất trong năm 2015 là làm sao để đưa quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển theo đúng định hướng khuôn khổ trên.
Thứ hai là chắc chắn sẽ có các chương trình kỷ niệm 20 năm quan hệ mà chúng tôi cho rằng cần bao gồm các chuyến thăm cấp cao để thể hiện sự trân trọng và thúc đẩy các mối quan hệ thông qua các hiệp định và thỏa thuận có thể có được trong các chuyền thăm đó. Thủ đô hai nước sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm để rà soát lại các hoạt động đã làm được và định hướng cho các hoạt động tiếp theo.
Tôi cho rằng đại sứ quán hai nước cần tổ chức song song lễ kỷ niệm vào tháng 7, thời điểm mà hai bên quyết định bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Trong các lĩnh vực hợp tác thì tôi cho rằng quan hệ thương mại là lĩnh vực có rất nhiều không gian để tăng cường hợp tác, tiếp theo là khoa học-công nghệ và giáo dục.
Chúng ta hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam và muốn quan hệ hai nước hoàn toàn đi vào bình thường hóa với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này.
Một trong những điểm quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước là làm sao tạo cơ hội tăng cường giao lưu nhân dân, du lịch, giáo dục. Tựu trung lại là nên có những bước đi với tầm nhìn rộng nhưng cần lấy trọng tâm là năm 2015 để tạo đà cho quan hệ đối tác toàn diện phát triển thực chất hơn nữa.
PV: Trong năm 2014, nội bộ nước Mỹ đã diễn ra nhiều biến động chính trị mà đơn cử là việc đảng Cộng hòa chiến thắng đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ và sẽ nắm Quốc hội Mỹ vào năm tới. Theo ông thì những biến động này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu vào nhìn chiều dài của quan hệ Việt-Mỹ thì chúng ta thấy rằng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam một cách toàn diện là chính sách của cả hai đảng chứ không phải chỉ là của chính quyền của Tổng thống Obama. Vì vậy mà tôi tin rằng trong thời gian tới, với khuôn khổ đối tác toàn diện đã đạt được, dù đảng nào nào chiếm đa số hay thiểu số tại Quốc hội Mỹ thì đường hướng đó sẽ tiếp tục được phát triển.
Dù nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng tôi đã gặp nhiều quan chức, nghị sỹ Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, và họ đều chia sẻ rằng họ rất ủng hộ thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ song phương mà còn trong các khuôn khổ khu vực, chẳng hạn như các diễn đàn ASEAN. Đây là chiều hướng chắc chắn sẽ có những điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.
PV: Trong năm 2014, ngành ngoại giao đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động ngoại giao của chúng ta tại Mỹ trong thành công này?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Lập trường nhất quán của Việt Nam đối vấn đề Biển Đông là đảm bảo môi trường ổn định, an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông; các tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển và các thỏa thuận khu vực, trong đó có Tuyen bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử (COC).
Trong bối cảnh đó, các hoạt động ngoại giao của chúng ta tại Mỹ cũng như các nơi khác đều cung cấp thông tin và tuyên truyền rất mạnh mẽ về lập trường của Việt Nam. Có thể thấy là cộng đồng quốc tế ngày càng thừa nhận, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Khi có vấn đề phức tạp xảy ra trong năm qua, chẳng hạn nhu vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì cộng đồng quốc tế đã cùng lên tiếng với chúng ta, ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền cũng như quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển theo đúng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật biển.
Chúng ta cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ, trao đổi với các chính trị gia, học giả, đại diện của Quốc hội và chính quyền Mỹ, để họ thấy được những nhu cầu cần thiết, không chỉ của Việt Nam mà của cả Mỹ và khu vực đối với vấn đề Biển Đông.
Trong năm qua, rất nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra tại Mỹ theo hướng chia sẻ sự ủng hộ đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Một điểm đáng chú ý nữa là cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều ra nghị quyết về bảo đảm môi trường ổn định, tự do hàng hải tại Biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật biển.
Tôi cho rằng ngành ngoại giao đã đưa được quan điểm của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế để các nước hiểu và chia sẻ. Khi có vấn đề xảy ra, chúng ta đã chủ động thông tin và cộng đồng quốc tế đã đi cùng chúng ta.
Chính những điều này đã tạo ra môi trường rất thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, đồng thời tạo ra khuôn khổ để các nước trong khu vực ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để làm sao bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định tại đây, trong đó có nỗ lực thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông./.