Động lực mới cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Liên bang Nga
VOV.VN - Giới chuyên gia, học giả Nga đánh giá tích cực về các kết quả đã đạt được và kỳ vọng chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới.
Chuyến thăm Liên bang Nga từ ngày 29/11-02/12 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới và là lần đầu tiên sau gần hai năm các cuộc tiếp xúc cấp cao trực tiếp tạm thời bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quan hệ giữa hai nước vẫn không ngừng được củng cố và đạt nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như năng lượng, dầu khí, kinh tế-thương mại, giáo dục, an ninh quốc phòng; lĩnh vực mới là hợp tác trong cung ứng và sản xuất thuốc, vaccine ngừa Covid-19. Giới chuyên gia, học giả Nga đánh giá tích cực về các kết quả đã đạt được và kỳ vọng chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Việt Nam sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới.
Nhân chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam tới Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga GS.TS khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin nhận định: “Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau hai năm gián đoạn do Covid-19 sẽ tạo động lực mới cho quan hệ hai nước, khẳng định mong muốn của các bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong dài hạn. Chuyến thăm sẽ giúp tiếp tục cuộc đối thoại tin cậy ở cấp cao nhất, điều này đặc biệt quan trọng với những thay đổi trong thành phần của lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Theo GS Mazryrin, trong năm 2021, kết quả của nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, vì tăng trưởng GDP vẫn ở mức dương (khoảng 2%) trên nền giá trị âm ở các nước khác. Kim ngạch ngoại thương của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh đến đáng ngạc nhiên, rõ ràng là do sự đa dạng hóa các mối quan hệ và lợi thế thương mại thông qua các FTA và nhu cầu hàng hóa xuất khẩu. GS Mazyrin cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp hơn kỳ vọng và khả năng, nhưng triển vọng phục hồi sau đại dịch vẫn tốt vì tiềm năng rất mạnh. Chuyên gia kỳ vọng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp và mang lại những thỏa thuận mới có ý nghĩa quan trọng cho cả hai nước.
GS Mikhail Polozkov - khoa Kinh tế và Tài chính, Học viện Hành chính và dịch vụ công trực thuộc Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, hợp tác kinh tế thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong thời gian gần đây tăng nhanh. Đóng vai trò quan trọng là việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu 5 năm trước. Ông mong đợi những thỏa thuận hợp tác mới giữa hai nước.
“Chúng tôi luôn chờ đợi nhiều điều từ những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, hy vọng vào những thỏa thuận mới trong hợp tác kinh tế, khoa học và giáo dục giữa hai nước; có thể mở rộng trao đổi về văn hóa. Du lịch là lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19 và theo quan điểm của tôi, hai bên có thể khởi động lại hợp tác, tạo động lực mới cho sự phát triển”- GS Mikhail Polozkov cho biết.
Nhà khoa học chính trị, giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg - Nga, GS.TSKH Vladimir Kolotov cho rằng, chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp về an ninh, kinh tế, công nghệ, đại dịch Covid-19 cũng đặt thách thức lớn đối với cả 2 nước.
Theo GS Kolotov, trong bối cảnh này, Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác với nhau khá hiệu quả. Năm 2020, khi dịch bệnh tại Liên bang Nga diễn biến phức tạp, Việt Nam đã hỗ trợ chất sát khuẩn, khẩu trang cho Liên bang Nga. Về phần mình, Liên bang Nga đã đạt được những thành công thực sự trong cuộc chiến chống Covid-19, phát triển được các loại thuốc, vaccine và hỗ trợ cho Việt Nam. Mới đây, Nga đã cung cấp một lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam và sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Những thực tế này cho thấy, trong bối cảnh có những rủi ro liên quan đến tính mạng con người, Nga và Việt Nam có thể hợp tác và đây là điểm mạnh trong mối quan hệ giữa hai nước.
“Đại dịch Covid-19 đã làm ngừng hoạt động du lịch, mối liên lạc về khoa học giữa hai nước. Không một sinh viên Nga nào có thể đến Việt Nam để thực tập. Đây là những vấn đề lớn tích tụ mà chỉ có lãnh đạo hai nước mới có thể giải quyết, ở cấp như Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”- GS Kolotov cho biết.
Ngoài những vấn đề về hợp tác song phương, các chuyên gia Nga coi trọng vai trò của Việt Nam trong ASEAN, coi Việt Nam là cầu nối để Nga vươn tới thị trường các nước trong khu vực. Các chuyên gia kỳ vọng, trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ có các cuộc hội đàm, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, nhằm tạo ra bước đột phá mới không chỉ cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga, mà tiếp tục thúc đẩy quan hệ Nga - ASEAN./.