Dự thảo văn kiện ĐH XIII còn sơ sài khi đề cập lĩnh vực văn hóa
VOV.VN - Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII, chúng ta nói nhiều về văn hóa nhưng dự thảo văn kiện ĐH XIII, lại nói rất sơ sài.
Dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được gửi cho các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp và lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo các văn kiện Đại hội lần này có nhiều điểm mới, mới không chỉ ở câu chữ mà mới ở tầm nhìn xa rộng, tầm bao quát.
Trước mỗi kỳ Đại hội, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - luôn chờ đợi các dự thảo văn kiện với những phác thảo mới nhất về diện mạo đất nước trong 5-10 năm, thậm chí 20 năm tới.
Với dự thảo văn kiện Đại hội XIII, PGS.TS Bùi Thị An rất tâm đắc với quan điểm: “Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc…”, bởi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần tương thân tương ái luôn là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua rất nhiều thử thách trong lịch sử, đặc biệt là được chứng minh trong việc đẩy lùi dịch Covid-19 vừa qua.
“Lịch sử đã chứng minh điều đó, cứ lúc đất nước khó khăn, cam go mà lúc bấy giờ động viên được lòng yêu nước đoàn kết nhân dân thì sức mạnh vô biên. Con người Việt Nam sẵn có lòng yêu nước, có lý tưởng rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng, thì sức mạnh tinh thần đó sẽ biến thành sức mạnh vật chất và sẽ thành động lực rất lớn để ta vượt qua. Đặc điểm của đất nước chúng ta khi mà khó khăn người dân sẽ đoàn kết lại và lúc đó sức mạnh tinh thần, lòng yêu nước sẽ vượt qua và chiến thắng tất cả”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Khẳng định văn hóa chính là sức mạnh mềm giúp chúng ta vượt qua nhiều thử thách, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay, TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Yếu tố văn hóa trong dự thảo văn kiện đại hội lần này chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết là các chỉ tiêu kinh tế -xã hội chứ không có chỉ tiêu về văn hóa.
Theo phân tích của TS Nguyễn Viết Chức, chiến thắng dịch Covid vừa qua là chiến thắng về văn hóa: “Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII, chúng ta nói nhiều về văn hóa nhưng lần này lại nói rất sơ sài, chúng ta chưa chỉ ra được những yếu kém về văn hóa, vì sao còn yếu kém. Trong khi văn hóa là con người, con người là yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển hiện nay. Cần đánh giá lại vì sao những vấn đề lớn như vậy lại chưa làm được?”.
Thực tế những năm qua cho thấy ở một số nơi, nhiều cấp, ngành, địa phương còn những nhận thức chưa thật đúng đắn về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước với quan điểm “coi văn hóa đồng nghĩa với văn nghệ”.
Trong khi đó, văn hóa phản ánh đời sống xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đồng thời phản ánh đời sống tinh thần, tư tưởng của đất nước, của dân tộc. Sâu xa hơn, văn hóa với những đặc tính và giá trị cốt lõi của mình, là cội nguồn sức mạnh đưa đất nước vượt qua nghìn năm bị đô hộ, chiến thắng những thế lực xâm lược và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.
Theo PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần phát huy yếu tố văn hóa trong thực thi chính sách, để đổi mới đồng bộ từ trung ương tới địa phương, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”: “Nhiệm kỳ 2015-2020, chúng ta đạt được những kết quả ấn tượng trong phòng chống tham nhũng, nhưng vấn đề tham nhũng vặt trong xã hội lại chưa được xem xét trong báo cáo chính trị vì ảnh hưởng của nó tới xã hội là không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày”.
Yếu tố văn hóa, phải được coi là cội nguồn của phát triển để mọi quốc gia trên thế giới, “hòa nhập mà không hòa tan”. Đó cũng chính là mong mỏi của cán bộ, Đảng viên và nhân dân khi tham gia đóng góp cho dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hướng tới mục tiêu “ý Đảng với lòng dân là một”./.