Giảng viên luật không được hành nghề luật sư

(VOV) - Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung này sáng 20/11 với 62,27% ý kiến đại biểu tán thành.

Về việc cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội được trình bày sáng 20/11 cho biết, qua thảo luận và xin ý kiến bằng phiếu, các đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật, theo đó không cho phép quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật theo hướng cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật luật hành nghề luật sư (trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cho phép đối tượng trên được hành nghề luật sư nhưng chỉ ở lĩnh vực tư vấn pháp luật).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết (Ảnh minh họa)

Các ý kiến thứ 2 cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ luật sư, vừa phát huy năng lực chuyên môn, vừa giúp đội ngũ giảng viên pháp luật có điều kiện kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ này.     

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên đại học chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu.

Hơn nữa, bên cạnh những lợi thế như loại ý kiến thứ hai đã nêu, nếu cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng chưa khắc phục được những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư những năm vừa qua.

Ngoài ra, nếu chỉ cho phép đối tượng nói trên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay là rất thiếu luật sư tham gia tố tụng, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật của viên chức giảng dạy pháp luật đã được pháp luật hiện hành điều chỉnh, nên không cần thiết bổ sung trong Luật này.

Từ những lý do nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như điểm b khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung này với 330/470 ý kiến đại biểu có mặt tán thành, chiếm 62,27% trước khi thông qua toàn văn Luật với 90,16% ý kiến tán thành.

Theo đó, điểm b khoản 4 Điều 17 quy định: Người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản
Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản

(VOV) -Sáng 20/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi) với 92,37% ý kiến tán thành.

Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản

Chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản

(VOV) -Sáng 20/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi) với 92,37% ý kiến tán thành.