Giữ nghiêm kỷ luật Đảng sẽ ngăn chặn được cán bộ chạy chọt, xu nịnh
VOV.VN - “Phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước thì những biểu hiện tham vọng quyền lực, xu nịnh, phe cánh… của cán bộ mới bộc lộ và bị xử lý".
Là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn...
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) về nội dung này.
Thách thức lớn nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng
PV: Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Muốn vậy,“Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.Theo ông, chỉ dẫn đó của Bác đã được thực hiện như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh vấn đề phê bình và tự phê bình, đoàn kết trong Đảng. Điều đó đi đến một vấn đề quan trọng nữa trong Di chúc của Bác đó là rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đó là căn dặn rất cơ bản về xây dựng Đảng, đồng thời cũng là vấn đề bức thiết trong xây dựng Đảng mà Bác đặt ra lúc đó.
Trong Di chúc Bác cũng căn dặn, sau ngày thắng lợi, trước tiên phải chỉnh đốn Đảng. Từ năm 1969 đến nay, Đảng ta đã thực hiện một cách trung thành lời dạy đó của Bác về xây dựng Đảng. Gần 50 năm qua, công tác xây dựng Đảng vẫn được coi là công việc then chốt trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Từ khi thực hiện Di chúc của Bác đến nay chúng ta có 3 thời kỳ: từ 1969-1975, tiếp tục hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; từ năm 1975 đến nay tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ 1986 đến nay, tập trung đổi mới. Đánh giá khái quát cho thấy, Đảng ta đã thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn của Bác về xây dựng Đảng. Chúng ta cũng có những Nghị quyết rất quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết 23 của Trung ương năm 1974; Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 của Khóa IV năm 1978; Đại hội VI là một chỉnh đốn rất cơ bản về xây dựng Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để sửa chữa khuyết điểm, tiến hành công cuộc đổi mới.
Khi đi vào đổi mới, chúng ta cũng có những Nghị quyết rất quan trọng như Nghị quyết 6 của khóa VI năm 1989 hay Nghị quyết Trung ương 3 của khóa VII năm 1992, đặc biệt gần đây có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng.
Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã đạt được những ý quan trọng mà Bác đã nhắc, đó là: Mặc dù trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nhưng chúng ta vẫn giữ được sự đoàn kết, thống nhất trên cơ sở Chủ nghĩa Mac Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng và những nguyên tắc tổ chức của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ hai là tập trung vào vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, thì chúng ta cũng đã tạo được những chuyển biến bước đầu quan trọng.
Chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng, đây cũng là dịp chúng ta nhìn nhận, khẳng định những gì đã làm được qua đó thấy được những mặt còn hạn chế để tích cực làm tốt công tác xây dựng Đảng hơn nữa. Nhất là sắp tới chuẩn bị bầu Ban chấp hành Trung ương, Đại hội XII của Đảng, Đảng bộ các cấp, đây cũng là dịp lựa chọn những đồng chí xứng đáng vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là điều thiết thực thực hiện lời căn dặn của Bác trong Di chúc của Người về xây dựng Đảng.
PV: Xây dựng sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng có phải là thách thức đối với Đảng ta hiện nay không, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Thách thức về đoàn kết cũng là vấn đề cần phải suy tính, nhưng chưa hẳn đó là thách thức lớn vì Đảng ta là Đảng có truyền thống đoàn kết. Nhưng dù sao vẫn phải cảnh báo như trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiêu chuẩn cán bộ là phải chọn những đồng chí không có tham vọng quyền lực, không mất đoàn kết chia rẽ dẫn tới lợi ích nhóm, bè phái. Nhận thức về mất đoàn kết dẫn tới bè phái cũng là điều chúng ta luôn đặt ra để phòng ngừa.
Theo tôi, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Từ sự phai nhạt lý tưởng mới dẫn tới sự chao đảo về lập trường, quan điểm và bản lĩnh chính trị không vững vàng.
Một vấn đề nữa cũng cần chú ý là sự thoái hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Sự thoái hóa ấy có thể làm cho Đảng suy yếu về chính trị, đặc biệt là uy tín. Vì nhìn vào đội ngũ đảng viên có một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, không gương mẫu trước quần chúng thậm chí mắc tham nhũng, lãng phí, ăn chơi... thì khi quần chúng nhìn vào sẽ mất đi hình ảnh đẹp về một người cộng sản. Do đó, đây là nguy cơ cần tập trung nhiều hơn, bởi mất niềm tin sẽ mất tất cả.
Giữ nghiêm kỷ luật Đảng để phát hiện đảng viên yếu kém
PV: Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XI mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những năm sắp tới, Đảng ta hơn bao giờ hết, phải thật sự vững vàng, giữ được bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ông đánh giá thế nào về bài phát biểu này?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Đó là yêu cầu tất yếu của Đảng cầm quyền. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe Tổng Bí thư trình bày đầy đủ tất cả các khía cạnh, yêu cầu của Ban lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
Nhìn tổng thể, tôi có thể khái quát lại trong 4 nhóm là: Lý tưởng-bản lĩnh; Trí tuệ; Đạo đức; Năng lực lãnh đạo quản lý và tổ chức thực tiễn. Nếu 4 khía cạnh đó làm tốt thì sẽ hiện thực hóa những điều mà Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã nêu.
PV: Bài phát biểu cũng chỉ rõ kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người: tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị… Theo ông, làm thế nào để phát hiện và loạt bỏ những người có những yếu tố nêu trên?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Những ý mà Tổng Bí thư đã nêu ít nhiều đã biểu hiện trong thực tế, nên không để lọt vào Trung ương những người có biểu hiện như vậy. Làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa tối đa những việc đó, theo tôi chúng ta phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Vì trong điều kiện hiện nay, mọi cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng phải hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật nên phải dùng pháp luật và kỷ luật Đảng thì những biểu hiện kia mới bộc lộ và bị xử lý.
Những chuẩn mực mà Tổng Bí thư nêu ra rất cơ bản và nhất thiết phải làm, nhưng làm cách nào thì đòi hỏi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở tất cả các cấp chứ không riêng Trung ương.
Nếu nêu như vậy nhưng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng không nghiêm, xuê xoa, dĩ hòa vi quý, thậm chí bị chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân hay bởi quan hệ khác thì sẽ làm mất đi tính nghiêm minh. Người nào không đạt được chuẩn mực đó thì gạt khỏi ngay thì mới mang lại kết quả.
Bên cạnh đó, những đại biểu dù đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc hay Đại hội đại biểu các đảng bộ địa phương đều phải phát huy cao nhất sự trung thực và trách nhiệm của mình khi sử dụng lá phiếu thì khi đó mới bầu trúng được những người có đức, có tài. Bởi vì người đại biểu không phát huy được trách nhiệm thì lá phiếu có thể bị chi phối bởi những quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm, quyền lực...
PV: Dư luận cho rằng, tiêu chí đưa ra đúng nhưng việc thực hiện thì không đơn giản. Quan điểm của ông?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi hoàn toàn ủng hộ những tiêu chí, chuẩn mực đặt ra đối với các đồng chí Trung ương khóa XII tới. Nhưng giữa tiêu chuẩn đặt ra và thực hiện trong thực tế có khoảng cách, đòi hỏi nỗ lực, vai trò lãnh đạo kiên quyết của Đảng từ cấp Trung ương đến cơ sở. Đồng thời trên cơ sở kỷ luật Đảng và pháp luật thì mới phát hiện được những người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan lãnh đạo.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là phải lắng nghe ý kiến nhân dân. Dân phát hiện cán bộ tốt hay không tốt, giỏi hay không giỏi rất chính xác, nên phải làm thế nào lắng nghe ý kiến của dân để họ góp ý chọn những người vào các vị trí lãnh đạo từ cấp cao nhất cho tới cơ sở. Vì xét đến cùng, theo Bác Hồ đã nói: lãnh đạo này là để lãnh đạo dân và dân chịu sự lãnh đạo ấy. Người lãnh đạo tốt thì dân được nhờ, người lãnh đạo kém thì người dân sẽ phải chịu hậu quả của sự kém cỏi đó.
PV: Để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức là văn minh, để duy trì và phát huy những thành quả của cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Xây dựng Đảng là phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng”. Theo ông, Đảng ta phải tiếp tục làm gì để thực hiện điều này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Để đảm bảo đúng yêu cầu của một Đảng cầm quyền, cần tập trung những vấn đề như sau:
Một là nâng cao trình độ, trang bị lý luận Mac Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng một cách bài bản cho toàn bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp. Bởi vì Bác cũng đã từng dạy rằng: Đảng không có lý luận cũng giống như người nhắm mắt mà đi.
Hai là: luôn hoàn thiện cương lĩnh, đường lối; chống nguy cơ sai lầm về đường lối. Trong việc hoàn thiện đường lối đổi mới thì phải nêu cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu chính trị đã đề ra.
Ba là nghiêm túc về mặt nguyên tắc tổ chức, đặc biệt là 5 nguyên tắc mà Đảng đã tổng kết là tập trung dân chủ; đoàn kết thống nhất trong Đảng; tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với dân; Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thực hiện tốt về công tác cán bộ, cụ thể qua các bước: đánh giá cán bộ công tâm, quy hoạch đúng, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đề bạt sử dụng cán bộ, luân chuyển và có chính sách cán bộ tốt thì sẽ tạo được một đội ngũ rất mạnh.
Bốn là giáo dục, rèn luyện đạo đức. Đảng phải đứng ra giáo dục đạo đức và cán bộ đảng viên tự mình học tập để rèn luyện đạo đức.
Năm là đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo của Đảng, sát với thực tiễn, với dân, phản ánh đúng lợi ích dân tộc quốc gia, đồng thời năng động sáng tạo trong tư duy, hành động.
Nếu làm tốt 5 điều trên, Đảng sẽ hoàn thành trách nhiệm của Đảng cầm quyền.
PV: Xin cảm ơn ông./.