Góp ý Báo cáo tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND các cấp

Sau 1 năm thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố bước đầu giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp lần thứ 34, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết bước 1 thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 1 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố bước đầu cho thấy đã giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội vẫn đảm bảo nhờ Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, phường tăng cường tiếp xúc cử tri, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội trong hoạt động giám sát và lắng nghe dân, xử lý các kiến nghị của người dân.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thí điểm về cơ bản là tốt, đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra. Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, cần được xem xét, đánh giá khách quan, thỏa đáng hơn. Hơn nữa, thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 4/2009 đến nay là chưa nhiều, do đó cần được đánh giá một cách toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là vấn đề có liên quan trực tiếp đến mô hình tổ chức các thiết chế trong hệ thống chính trị ở 1 địa phương nên càng cần phải được tiến hành thận trọng với những căn cứ vững chắc, có tính thuyết phục. Việc thí điểm là để thử nghiệm mô hình tổ chức mới nhằm có thêm cơ sở thực tiễn cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, trước hết, để có cơ sở đánh giá, tổng kết một cách chính xác thì cũng cần phải có thời gian thí điểm thích hợp và được tiền hành liên tục ở một số địa phương. Đồng thời cũng cần phải tính đến sự đồng bộ, toàn diện ở một cấp chính quyền”.

Trong Báo cáo tổng kết, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Thứ 1, xem xét sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011.

Thứ hai, ban hành Nghị quyết của Quốc hội mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố cho đến khi sửa đổi Hiến pháp 1992. Về vấn đề này, đa số đại biểu cho rằng nên tiếp tục thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố đã được quyết định, không mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ.

Việc thí điểm này cần được thực hiện trên cả hai mặt: một là không tổ chức HĐND; hai là đồng thời phải có cơ chế để HĐND ở các nơi không thực hiện thí điểm thực sự phát huy vai trò đích thực của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình nêu ý kiến: “Tôi đề nghị tiếp tục thí điểm ở 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh như hiện nay. Thời gian thí điểm có thể là hơn 1 năm nữa rồi mới tiến hành tổng kết. Đồng thời cấp có thẩm quyền có chỉ đạo để tổ chức nghiên cứu toàn diện tổ chức bộ máy nhà nước gắn với các đơn vị hành chính, để từ đó có một chủ trương toàn diện. Mặt khác theo tôi không đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp tại Kỳ họp thứ 8 này, vì thủ tục sửa đổi Hiến pháp là một thủ tục đặc biệt, cần có thời gian”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là một vấn đề lớn trong cải cách tổng thể bộ máy Nhà nước, bước thử nghiệm cần thiết, một bước đi thích hợp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, huyện, phường là vấn đề rất lớn, hệ trọng, nhạy cảm liên quan không chỉ đến một số luật mà liên quan đến nhiều luật, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta thực hiện thí điểm trong điều kiện chưa sửa Hiến pháp để tổng kết, rút kinh nghiệm; nếu được sửa Hiến pháp mới đựơc triển khai ra đại trà. Đây là vấn đề nguyên tắc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, khi tổng kết việc thí điểm phải toàn diện, sâu sắc trên tất cả các mặt, với phương pháp tư duy biện chứng khách quan, cụ thể, lịch sử./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên