Hà Giang sẽ nghiên cứu đề xuất đầu tư sân bay
VOV.VN - Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ mới, Hà Giang sẽ nghiên cứu, đề xuất đầu tư sân bay theo quy hoạch.
Sau 3 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn tất chương trình và bế mạc vào chiều 17/10. Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh với 100% đại biểu thống nhất. Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới.
Hà Giang là tỉnh vùng cao, miền núi, biên giới, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về KT-XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy vậy, tỉnh lại có điểm xuất phát thấp, nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ.
Do đó, khâu đột phá đầu tiên được Hà Giang đặt ra là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể tỉnh sẽ đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành trung ương ưu tiên nguồn lực sớm triểm khai đầu tư xây dựng đường cao tốc nối từ Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ - Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai; nghiên cứu, đề xuất đầu tư sân bay theo quy hoạch.
Cùng với đó là đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng thông qua các tuyến Quốc lộ 4, 4C, 2C, 279, 34 và 280.
Các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện cũng sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp, đảm bảo bền vững. Quan tâm hoàn thiện hệ thống đường ra các cửa khẩu, lối mở, đường tuần tra biên giới. Tiếp tục hỗ trợ xi măng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đảm bảo kết nối liên thông, thông suốt với hệ thống giao thông tỉnh, huyện.
Khâu đột phá thứ hai mà Hà Giang xác định là phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng, hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch, trọng tâm là 4 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá.
Địa phương này cũng nhấn mạnh việc kết nối thành phố Hà Giang với các huyện, các khu du lịch, khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với môi trường để đa dạng hoá dịch vụ du lịch; gắn chặt chẽ giữa phát huy bản sắn văn hoá truyền thống của các dân tộc, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, các làng nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng.
Và đột phá thứ ba mà Hà Giang quyết tâm thực hiện là tạo sinh ế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó huy động nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo khó khăn về nhà ở; Tiếp tục sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, các hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán trong các khu rừng đặc dụng, nơi có nguy cơ sạt lở cao, xa xôi, hẻo lánh.
Tỉnh này cũng nhấn mạnh vấn đề giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ban hành các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nhân dân giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó là phát huy giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Quan tâm đầu tư huy động các nguồn lực cho giáo dục y tế để từng bước nâng cao sức khoẻ, tuổi thọ cho nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết nhiệm kỳ mới, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh Hà Giang là tỉnh biên giới, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh, do đó, trong bất luận hoàn cảnh nào, Hà Giang phải quyết tâm giữ dân, giữ đất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Về phát triển kinh tế, mặc dù hiện nay còn niều khó khăn về nhiều mặt, song theo ông Ngô Xuân Lịch, Hà Giang cũng có những tiềm năng, thế mạnh đặc thù để phát triển kinh tế từ nội lực. Do đó tỉnh cần dồn sức thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá nêu trong Báo cáo chính trị để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển văn hoá xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; tập trung phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững./.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được bầu gồm 51 uỷ viên. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang có 16 người (bầu khuyết 1 và cơ cấu Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XV). Ông Đặng Quốc Khánh tái đắc cử Bí thư Tỉnh uỷ khoá XVII và 3 Phó Bí thư Tỉnh uỷ là ông Thào Hồng Sơn, ông Nguyễn Văn Sơn và ông Nguyễn Mạnh Dũng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng bầu 21 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó 19 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.