Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM không bầu HĐND khóa mới ở cấp nào?
VOV.VN - Quốc hội cho phép Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND ở phường. Riêng Đà Nẵng và TPHCM thực hiện ở cả quận và phường, trong đó TPHCM triển khai luôn mà không tiếp tục “thí điểm”.
Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; theo đó, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương.
Triển khai nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Điểm đáng chú ý là Thủ tướng chỉ đạo UBND các Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Trong đó, tại quận, phường của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tại phường của Thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 -2026.
Hà Nội không tổ chức HĐND ở 177 phường
Với Hà Nội, ngày 27/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố này. Trong đó xác định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Như vậy Hà Nội sẽ tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới ở những nơi này.
Riêng chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường. Điều đó đồng nghĩa với việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Việc bầu đại biểu HĐND phường vì thế cũng không cần triển khai.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã.
Về cơ cấu tổ chức, UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. UBND phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
“Chậm nhất là quý 4 năm 2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định” – Nghị quyết nêu rõ và xác định việc thí điểm được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Đà Nẵng không bầu đại biểu HĐND quận, phường
Còn với Đà Nẵng, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố này.
Theo đó, ở cấp thành phố, Đà Nẵng cấu trúc chính quyền như các tỉnh thành khác, gồm HĐND và UBND. Còn ở quận, phường chỉ có UBND, đồng nghĩa với việc sẽ không tiến hành bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền mới ở Đà Nẵng cũng bắt đầu từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Thủ Đức không bầu HĐND 34 phường
Khác với Hà Nội và Đà Nẵng, ngày 16/11/2020, Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội đồng ý cho triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không cần tiếp tục “thí điểm” từ 1/7/2021. Việc thí điểm đã được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều năm trước đó và được đánh giá là hiệu quả.
Nghị quyết quy định chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh có HĐND và UBND. Ở quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TPHCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND).
Tại Thủ Đức – “thành phố thuộc thành phố” được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn tổ chức HĐND thành phố, còn 34 phường sẽ không tiến hành bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới.
HĐND thành phố Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định Điều 6 Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính quyền đô thị không có HĐND phường, quận được đánh giá là sẽ rút ngắn thời gian của nhiều thủ tục. Để tăng cường vai trò giám sát cũng như đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan dân cử ở địa phương, số đại biểu chuyên trách ở HĐND TP cũng sẽ được tăng, cùng với những quy định tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương./.