Hiệp định Geneva: Sự công nhận quốc tế về luật pháp với Việt Nam

VOV.VN -Hiệp định Geneva, ký ngày 20/7/1954, mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và thống nhất đất nước.

Cách đây tròn 60 năm, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô bằng sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình cho Đông Dương, Hội nghị Hòa bình Geneva đã diễn ra và đã ký kết Hiệp định Geneva lịch sử về chấm dứt chiến tranh. Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn Giáo sư Ngôn ngữ học, nhà Việt Nam học người Nga Anatoly Sokolov, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về ý nghĩa to lớn của sự kiện này.

PV: Thưa ông, nhân dịp kỷ niệm tròn 60 năm Hội nghị hòa bình cho Việt Nam diễn ra tại Geneva năm 1954, xin ông phân tích vai trò, giá trị của hội nghị Geneva đối với dân tộc Việt Nam?

Giáo sư Anatoly Sokolov: Trước hết, tôi xin chúc mừng các bạn Việt Nam nhân kỷ niệm trọng đại, tròn 60 năm kết thúc Hội nghị về chiến tranh ở Đông Dương vào năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước đầu tiên của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Sự kiện này đánh dấu cuộc đấu tranh ngoan cường, bền bỉ suốt nhiều năm của nhân dân Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam vì độc lập của đất nước, vì tự do và dân chủ của dân tộc.

Phóng viên VOV phỏng vấn  Giáo sư  Anatoly Sokolov

Ngày 10/5, trưởng phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng, đã đề xuất kế hoạch thiết lập hòa bình tại Đông Dương, và được Liên Xô ủng hộ. Cùng với các đề xuất của Pháp, kế hoạch này là nền tảng cho các cuộc thảo luận sau đó tại hội nghị. Hội nghị Geneva về Đông Dương và các văn kiện được thông qua tại đó có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của nước Việt Nam độc lập. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự.

Cuộc đấu tranh chính trị của Việt Nam tại hội nghị, nhằm đạt được một giải pháp công bằng ở Đông Dương, phục vụ cho các lợi ích của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia diễn ra dưới sự ủng hộ và hợp tác hoàn toàn của Liên Xô, vốn muốn thiết lập hòa bình trong khu vực và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Việt Nam.

Trong phát biểu của mình tại hội nghị Geneva ngày 14/5, trưởng phái đoàn Liên Xô, Ngoại trưởng Molotov khẳng định quan điểm của Liên Xô trong vấn đề Việt Nam, nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh ở Đông Dương - và trước tiên là ở Việt Nam đã kéo dài quá lâu, đã đến lúc phải kết thúc; Thứ hai là cuộc chiến tranh Đông Dương, với Pháp thì đây là cuộc chiến thực dân, còn với người Việt Nam, họ chiến đấu vì độc lập, tự do của mình, đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Ông Molotov đặc biệt lưu ý rằng: "Tấm gương của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nó cho thấy ở đâu đại bộ phận dân chúng nằm dưới ách thực dân, đứng lên bảo vệ các quyền dân tộc và tự do của mình, ở đó không thể trong thời đại của chúng ta đưa dân tộc đó quay trở về cuộc sống trước đây, không thể đàn áp phong trào dân tộc bằng vũ khí và mọi hình thức bạo lực".

Hiệp định Geneva, ký ngày 20/7/1954, được xem như sự công nhận quốc tế về luật pháp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và thống nhất đất nước. Hội nghị Geneva đã đưa ra con đường cụ thể cho sự phát triển hòa bình và dân chủ của Việt Nam, theo ý chí và khát vọng của nhân dân Việt Nam. Nó qui định việc tiến hành vào mùa hè năm 1956 cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ để thực thi đầy đủ quyền linh thiêng của nhân dân Việt Nam về chủ quyền, tự do, độc lập và thống nhất đất nước.

PV: Vâng, thưa ông, Hội nghị Geneva và sau đó là Hiệp định Hòa bình Geneva được ký kết có sự tham gia giúp đỡ không nhỏ của Liên Xô thời kỳ đó. Xin ông đánh giá vai trò và ảnh hưởng của Liên Xô tại hội nghị này?

Giáo sư Anatoly Sokolov: Sự ủng hộ đặc biệt của Liên Xô đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh này được đánh dấu bằng cuộc gặp mặt giữa Lãnh tụ Hồ Chí Minh với người đứng đầu Liên Xô là Stalin. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào năm 1950 tại Moscow, đặt cơ sở cho sự hợp tác giữa hai nước.

Tại đó, hai bên đã thảo luận việc Liên Xô công nhận nền dân chủ của nước Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến cuộc gặp lần thứ hai vào năm 1952, hai bên càng khẳng định sự hợp tác và cũng từ đó Liên Xô đã trợ giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về cơ sở vật chất quân sự. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô để Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống thuộc địa, chống thực dân Pháp, có thể nói Liên Xô đã góp phần quan trọng đưa đến Hội nghị Hòa bình Geneva về chiến tranh Đông Dương.

Tại Hội nghị Geneva, Liên Xô xuất phát từ thực tế nhiệm vụ của hội nghị là cần phải đấu tranh nhanh chóng chấm dứt các hoạt động quân sự ở Đông Dương và đạt được thỏa thuận để có thể đem lại cơ hội đáp ứng các đòi hỏi hợp pháp của nhân dân Đông Dương, tôn trọng quyền dân chủ và độc lập dân tộc của họ. Phái đoàn Liên Xô tuyên bố họ coi trọng các đề xuất của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và bày tỏ tình đoàn kết với quan điểm xây dựng của phía Việt Nam.

Ngày 22/7/1954, sau sự kiện ký Hiệp định Geneva, chấm dứt các hoạt động quân sự của Pháp tại Việt Nam, Lào và Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc thông điệp gửi tới người dân Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao của Liên Xô để tổ chức và tiến hành thành công Hội nghị Geneva. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên Xô trong sáng kiến tổ chức hội nghị Geneva, vị Lãnh tụ Việt Nam nói rằng Liên Xô luôn dành sự ủng hộ tinh thần to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa và phụ thuộc, đã dành sự ủng hộ to lớn cho Việt Nam. Hoạt động ngoại giao của Liên Xô đóng vai trò quyết định trong việc ngừng bắn ở Việt Nam.

PV: Vậy thưa ông, Hội nghị Geneva dẫn tới Hiệp định Hòa bình năm 1954 có ý nghĩa như thế nào đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vào thời điểm đó?

Giáo sư Anatoly Sokolov: Ý nghĩa quan trọng nhất của Hội nghị Hòa bình Geneva là nó đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương; Thứ hai là nó đã góp phần khẳng định về mặt pháp lý quốc tế về sự chấm dứt ách đô hộ của Pháp ở Đông Dương; Thứ ba là nó khẳng định vị thế bình đẳng của Việt Nam trên trường quốc tế, rằng Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ tham gia vào mọi hoạt động quốc tế. Thứ tư, nó chỉ ra rằng, đối với các nước thuộc địa, con đường đàm phán quốc tế là con đường tốt nhất để giải quyết xung đột vì tự do, dân chủ, vì độc lập dân tộc.

Hiệp định hòa bình Geneva cũng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ quốc tế. Nó chứng minh một điều rằng các cuộc đấu tranh phải trên cơ sở lợi ích của nhân dân, của hòa bình, an ninh và dân chủ.

Tại phiên bế mạc hội nghị ngày 21/7, người đứng đầu phái đoàn Liên Xô Molotov tuyên bố Hiệp định Khôi phục Hòa bình tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã được quốc tế công nhận. Đây là thắng lợi to lớn đối với các lực lượng trên thế giới, một bước đi mới trên con đường gắn kết các dân tộc trên toàn thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên