Hiệp định Paris và đòn tấn công ngoại giao quyết định
(VOV) -Việc Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra 2 dự thảo vào chiều 8/10/1972 nằm ngoài dự đoán của đoàn Mỹ.
Bản dự thảo gây bất ngờ với đoàn Mỹ
Các tài liệu lịch sử ghi lại: Chiều 8/10/1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và dự thảo “Thảo thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Dự thảo Hiệp định này nằm ngoài dự đoán của đoàn Mỹ.
Cố vấn Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Henry Kissinger đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris. |
Sức mạnh tấn công của bản dự thảo Hiệp định này là ở chỗ tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, tạm gác yêu cầu xóa bỏ chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu, tạm gác bàn về bầu cử, hiến pháp… mà tập trung giải quyết các vấn đề chính trị và quân sự liên quan đến Mỹ như vấn đề Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, ngừng bắn, Mỹ rút quân, trao trả tù binh hai bên, Mỹ chịu trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh.
Chiều 9/10/1972, phía Mỹ cũng đưa ra một dự thảo hiệp định trong đó chấp nhận nhiều điều khoản và vấn đề đoàn Việt Nam đã nêu.
Việc đưa dự thảo Hiệp định là một bước có ý nghĩa đột phá trong đàm phán, làm lập trường của hai bên gần nhau và chuyển từ đàm phán theo khung giải pháp (9 điểm, 10 điểm) sang đàm phán thẳng các điều khoản của Hiệp định, buộc Mỹ không thể lẩn tránh, kéo dài quá trình thương lượng. Ta và Mỹ giải quyết toàn bộ không cần nghị định thư, không cần đưa ra diễn đàn 4 bên, tạo khả năng nhanh chóng đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận, đàm phán vẫn diễn ra gay gắt và kéo dài trong suốt ba ngày. Đến ngày 11/10/1972, hai bên căn bản đạt thỏa thuận về các điều khoản của Hiệp định. Hai vấn đề cuối cùng là vấn đề trao trả tù binh và vấn đề thay thế vũ khí được giải quyết thông qua trao đổi công hàm giữa người đứng đầu hai Chính phủ. Đến ngày 20/10/1972, hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng, dự định ký Hiệp định ngày 31/10/1972. Với văn bản Hiệp định hai bên đã thỏa thuận, Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đề ra đó là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Dập tắt ý đồ kéo dài đàm phán
Sáng 26/10/1972, tại phiên họp thứ 164, Bộ trưởng Xuân Thủy đã thông báo việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố nội dung dự thảo Hiệp định đã được hai bên thỏa thuận và dự định ký vào ngày 31/10/1972, nhưng phía Mỹ không giữ lời hứa, viện những lý do không chính đáng để liên tiếp thay đổi những điều thuộc nội dung Hiệp định và thời gian đã thỏa thuận.
Việc công bố dự thảo Hiệp định là một đòn tấn công lớn và được dư luận rộng rãi đồng tình. Trách nhiệm không ký được Hiệp định theo thỏa thuận hoàn toàn thuộc về phía Mỹ; Thiệu bị cô lập và bị lên án. Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước ủng hộ tuyên bố trên. Nhiều người trong chính giới Mỹ cũng đòi Nixon ký hiệp định đã thỏa thuận.
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đón Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh đến Paris để ký hiệp định hòa bình, sân bay Bourget ngày 25 tháng Giêng 1973. |
Hai bên họp từ ngày 20 đến 25/11/1972, Mỹ đã đòi sửa tới 69 điểm trong văn bản đã thỏa thuận ngày 20/10/1972 trong đó tập trung vào việc: đòi miền Bắc cùng rút quân; biến miền Nam thành một quốc gia; giành thế hợp pháp cho Sài Gòn, phủ nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời; giảm nhẹ cam kết của Mỹ. Các đề nghị sửa đổi này đã bị phía ta phê phán gay gắt.
Trong phiên họp ngày 24/11/1972, Kissinger xin được đọc bức điện của Tổng thống Nixon gửi với những lời lẽ đe dọa ngừng đàm phán, tiếp tục các hoạt động quân sự nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Mỹ.
Cố vấn Lê Đức Thọ đã nói thẳng với Kissinger là đe dọa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chẳng có tác dụng gì, thiện chí của Việt Nam tiến tới hòa bình cũng phải có mức độ nhất định, nhân nhượng quá chỉ còn là đầu hàng trá hình… Ta kiên quyết đấu tranh, Mỹ phải lùi một bước là: rút lại những điều ám chỉ quân miền Bắc, nhận có tên Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Hiệp định.
Chiến thắng quyết định trên 2 mặt trận
Chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 của quân dân Việt Nam quyết định thành công khi hai đoàn đàm phán bước vào vòng đàm phán cuối cùng tại Paris.
Do không đạt được đòi hỏi của mình, Mỹ ngừng đàm phán và mở cuộc tiến công 12 ngày đêm bằng máy bay B52 vào Hà Nội và miền Bắc. Tuy nhiên, chiến thắng oanh liệt “Điện Biên phủ trên không” đã buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (giữa) ký Hiệp định Paris năm 1973 |
Ông Phạm Văn Chương, thành viên đoàn đàm phán tại Paris, nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho rằng: “Có một mối liên quan hữu cơ giữa những gì diễn ra trên bàn đàm phán và trên chiến trường. Đầu năm 1969 bắt đầu họp 4 bên rồi, nhưng đến tháng 1/1973 Hiệp định mới được ký. Để có kết quả đó là cả một năm 1972 với 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị bị cày nát, với 12 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội, nơi mà ý chí quật cường của quân và dân ta không thể bị đánh bại”.
Và kết quả là ngày 27/1/1973, bốn Ngoại trưởng bốn bên dự Hội nghị Paris đã chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cùng các Nghị định thư liên quan./.