Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn quốc tế
(VOV) -Những người bạn quốc tế mang đến những câu chuyện xúc động cũng như những tình cảm thắm thiết dành cho nhân dân Việt Nam.
Kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, sáng 26/1 tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức giao lưu: “Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn quốc tế”. Chương trình có sự tham dự của Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng đông đảo những người bạn quốc tế yêu mến và ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris.
Buổi giao lưu là dịp các đại biểu gặp gỡ những người bạn gắn bó mật thiết với phong trào phản đối chiến tranh cũng như ủng hộ độc lập, tự do của Việt Nam.
Mỗi nhân vật đều mang đến những câu chuyện xúc động cũng như những tình cảm thắm thiết dành cho nhân dân Việt Nam. Nếu như ông Michel Strachinesen, Pháp - người 5 năm phụ trách công tác lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình tại Paris khiến khán giả xúc động bằng câu chuyện bảo vệ lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giữa Paris, thì câu chuyện của ông Renato Darsie, Italia – người ủng hộ Việt Nam từ những năm 1960 lại cho khán giả thấy cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt đã chinh phục những người yêu hòa bình trên thế giới.
Ông Renato Darsie kể: "Ngày đó chúng tôi có rất nhiều phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam như phong trào của sinh viên, công nhân, của hội đoàn. Ngày đó chúng tôi có phong trào hiến máu cho nhân dân Việt Nam. Nhưng không phải nơi nào cũng có được bởi chính quyền không ủng hộ, chỉ có những vùng Đảng Cộng sản nắm quyền mọi người mới được hiến máu. Do đó chúng tôi phải đi sang Nam Tư hiến máu rồi nhờ các bạn Nam Tư chuyển máu về cho nhân dân Việt Nam".
Khách mời tham dự buổi giao lưu còn được gặp lại thành viên nhóm du kích Caracas, Venezuela – những người đã tham gia vụ bắt giữ một sĩ quan Mỹ để đánh đổi chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi.
Ông Carlos Rey Gome, thành viên nhóm du kích nhớ lại: "Ngày 9/10/1964, đội du kích của chúng tôi đã bắt cóc được một sỹ quan Mỹ. Chính phủ Mỹ đã liên hệ với chúng tôi và chúng tôi nói rằng có 3 ngày để Mỹ trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, nếu không chúng tôi sẽ xử tử sỹ quan Mỹ. Khi đó Mỹ liên hệ với ngụy quyền của Nguyễn Văn Khánh và tuyên bố việc xét xử anh Trỗi sẽ được tiến hành lại theo chiều hướng thả tự do cho anh Trỗi. Tuy nhiên khi chúng tôi thả tự do cho sỹ quan Mỹ thì tại Việt Nam anh Trỗi bị xử tử. Đó là một sự giả dối, phản bội lời hứa của Mỹ. Sau đó chúng tôi phát động phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, nhất là ủng hộ Việt Nam tại Hiệp định Paris".
“Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn quốc tế” không chỉ phác họa những phòng trào phản chiến ủng hộ Việt Nam của nhân dân trên thế giới, mà còn phản ánh những hoạt động đòi độc lập, tự do cho dân tộc của kiều bào ta tại nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Việt kiều Pháp, người có những đóng góp tích cực trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris chia sẻ: "Công việc của chúng tôi là tạo mọi sự thuận lợi 2 đoàn đàm phán của Việt Nam trong thời gian tại Paris. Ngoài ra chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác trong kiều bào để qua kiều bào tiếng nói của 2 đoàn đàm phán về tới Việt Nam; Đoàn kết các phong trào Việt kiều yêu nước trên thế giới để tiếp sức cho phong trào phản chiến và yêu cầu Mỹ phải rút quân.
Kết thúc buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ sự xúc động khi được nghe lại những câu chuyện của bè bạn quốc tế, được nghe lại bài hát nhắc tên mình mà một thời thanh niên Mỹ đã hát trong những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình nói: "Phong trào đoàn kết quốc tế hay là sự đoàn kết quốc tế là một nhân tố quan trong góp phần vào thắng lợi của Việt Nam. Và hôm nay tôi có thể thay mặt cho nhân dân Việt Nam nói là chúng tôi mãi mãi biết ơn bạn bè quốc tế. Và mong rằng tình cảm hữu nghị của chúng ta sẽ tiếp tục ngày càng tốt đẹp".
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trên mặt trận ngoại giao nói riêng và trong cuộc đấu tranh chống mỹ cứu nước nói chung một phần là sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Và chương trình “Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn” chính là lời tri ân sâu sắc dành cho họ./.