Học Bác, cán bộ trước hết hãy gần dân, lắng nghe dân
VOV.VN - “Chưa nói anh làm được gì nhưng gần dân là tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến để tự sửa mình thì đã quý lắm rồi! Nhưng có cán bộ “sợ” tiếp xúc với dân”.
"Cụ Hồ nói thẳng lắm!"
Đánh giá Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức rất công phu, tạo hiệu hứng tích cực sâu rộng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, nhiều nơi vẫn còn hô hào hình thức chung chung.
Người cán bộ đảng viên phải học ở Bác tùy vào vị trí công tác của mình, để từ đó cống hiến xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Công tác biểu dương khen thưởng cũng phải rõ ràng hơn, để qua đó mọi người đánh giá được năng lực cũng như thái độ cầu thị, sự tiến bộ qua xử lý công việc cụ thể.
Ông băn khoăn ở chỗ làm sao định kỳ biểu dương được đội ngũ cán bộ các cấp làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thời gian qua ít cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp được nêu gương. Muốn giải quyết được nạn tham nhũng thì phải “đầu xuôi đuôi lọt”, tức cán bộ làm gương thì mới làm cho dưới học theo, nếu không “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, làm sao trong sạch được!
Theo ông Đỗ Văn Ân, muốn biểu dương đúng thì phải theo dõi. Ví như làm theo phong cách Hồ Chí Minh phải luôn tiếp xúc, gần dân thì trong tháng này anh tiếp xúc với dân được bao nhiêu lần, anh giải quyết được bức xúc của dân bao nhiêu vụ. Nêu gương ở cơ quan thì anh thực hiện đi sớm về muộn thế nào, phê bình và tự phê bình ra sao. Với cấp dưới anh thân ái nhưng có mạnh dạn phê bình chỉ ra cái thiếu sót, khuyết điểm không.
“Cụ Hồ nói thẳng lắm! Tôi nhớ lần Bác đến dự Hội nghị cán bộ công đoàn của đơn vị, cụ chỉ rõ: “Đây nhé, ở Quảng Ninh, công đoàn còn để khu tập thể mất vệ sinh như thế này” và đưa cả dẫn chứng. Bác phê bình rất cụ thể. Bây giờ anh có mạnh dạn nói khuyết điểm của cấp dưới không hay chỉ xuê xoa lấy “tín nhiệm?”, ông Ân đặt vấn đề.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình từ khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đến khi về Hà Nội giữ cương vị đứng đầu một cơ quan trọng yếu, cơ mật, ông Đỗ Văn Ân nói: “Xác định được mình là người của dân thì anh sẽ vượt qua được khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Về Ban Cơ yếu 8 năm thì 5 năm đầu tôi không có nghỉ trưa, ăn cơm ở cơ quan xong là đọc lý thuyết mật mã để tiếp cận trí thức mới mà điều hành công việc. Cấp dưới toàn tiến sĩ tranh luận với nhau về chuyên môn thì anh phải nắm chắc mà kết luận, do đó người đứng đầu phải ra sức học tập.”
Và cũng trong 8 năm đó, ông bao giờ cũng đi sớm 15 phút, về sau 15 phút. Bởi theo ông, cán bộ đảng viên trong tập thể sẽ nhìn vào gương người cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, trong nội bộ Đảng của đơn vị luôn định kỳ phê và tự phê và làm đến nơi đến chốn để từ đó mỗi người phấn đấu, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Bác Hồ nói Đảng mạnh hay yếu phụ thuộc vào dân. Xa dân sẽ dẫn đến mất niềm tin ở dân, nhưng hiện tượng này ngày càng phổ biến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Ông Đỗ Văn Ân cho rằng, học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết học cái gần dân. Chưa nói anh làm được cái gì nhưng trước hết gần dân là tôn trọng người bầu lên mình, lắng nghe ý kiến của nhân dân để tự sửa mình đã là điều quý.
Cán bộ lãnh đạo dám đối thoại thường kỳ với dân, đón nhận những phản ảnh bức xúc, từ đó có cách giải quyết thỏa đáng vừa là đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ nhưng quan trọng hơn qua đó góp phần xây dựng niềm tin nơi dân.
Đề cập đến một Đà Nẵng “đáng sống” và đội ngũ cán bộ chủ chốt địa phương được dân tin tưởng, ông bày tỏ: “Tôi rất mừng có một Đà Nẵng như thế. Từ vấn đề đền bù đến vệ sinh môi trường được lãnh đạo quan tâm, nghe dân và trực tiếp giải quyết phản ảnh bức xúc. Nhiều nơi làm được như Đà Nẵng thì lợi cho Đảng. Tiếc là hiện nhiều nơi chưa làm được điều này”.
“Sợ” tiếp xúc thì ngày càng xa dân
Đi tìm câu trả lời giải thích hiện tượng một bộ phận cán bộ có hiện tượng xa dân, ông Đỗ Văn Ân băn khoăn: Hình như hiện nay nhiều cán bộ “sợ” tiếp xúc với dân, quan liêu và xa dân. Điều này có sự logic, vì anh có khuyết điểm mà cố hữu là tiêu cực, tham nhũng nên ngại gần dân, sợ người ta nói thẳng nên từ đó lại ngày càng xa dân.
Ngoài ra, có vẻ một bộ phận cán bộ xa lánh để tỏ rõ tầm quan trọng. Tức là gặp được ông, bà không dễ, qua người khác mới liên hệ được. Đấy là dạng quan liêu xa cách dân. Thời của tôi khác, dân muốn đến lúc nào, muốn hỏi cái gì thì đáp ứng yêu cầu.
Xét ở góc độ năng lực, ông cho rằng có người đứng trước vấn đề bức xúc của dân nhưng thiếu kiến thức giải quyết do đi lên bằng nhiều cách nên cũng “sợ” gần dân.
“Nói đến công tác dân vận chính là mối quan hệ với dân. Công tác dân vận của Đảng phải thông qua cán bộ. Đội ngũ cán bộ tận tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, lấy được lòng tin của dân, đó là mối quan hệ đẹp. Những người tham nhũng, tư lợi thì làm sao gần dân được. Cán bộ làm không tốt, người dân không đồng tình với cán bộ là ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”, ông nhấn mạnh.
Từ quan điểm trên, ông Đỗ Văn Ân cho rằng học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quay lại với di chúc của Người: Mỗi cán bộ đảng viên phải thấy mình là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tức dân gọi lúc nào cũng phải có, báo cáo và anh chịu sự giám sát của người chủ là nhân dân.
Ông cho biết, ngày trước tiêu chí này rất rõ nên cán bộ luôn chăm lo việc liên hệ mật thiết với nhân dân. Nếu tháng nào không đi được cơ sở hay không nghe được người dân nêu ý kiến thì thấy bức bách cái gì đó. Việc đi xuống dân cũng là để kiểm tra công việc cấp dưới làm với nhân dân như thế nào.
“Ở miền núi như ở Sơn La nơi tôi từng làm Bí thư Tỉnh ủy, nếu không đi kiểm tra có khi bị lừa hết ấy chứ. Các sở, ban ngành báo cáo đầy đủ hết nhưng xuống dưới bản có hoàn toàn phải thế đâu. Nếu không nắm được làm sao anh chỉ đạo được cấp dưới. Việc đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến của nhân dân là việc làm thường xuyên như cá cần nước”, ông nói.
Ông tâm niệm, người cán bộ chỉ đi xuống dân thôi đã được giác ngộ, nhìn cảnh nhân dân còn khó khăn thì sẽ thấy được trách nhiệm của mình. Những vị ngồi trong phòng lạnh nên để họ đi xuống dưới dân để trắc ẩn mà sửa mình. Tuy nhiên, đi xuống với dân mà ô to còi ủ và làm việc qua loa rồi ăn uống vỗ tay thì chỉ gây phản cảm mà thôi.
“Cụ Hồ trước đây đi làm gì có còi ủ, có nơi Người đến dân không biết. Tôi nhớ thời tôi còn học ở trường Công đoàn Trung ương, báo Bác đến cửa trước nhưng Bác đến cửa sau, đi vào kiểm ra khu vệ sinh, khu ở tập thể. Bác là như thế. Đi đâu mà cứ khua chuông gõ mỏ, không sâu sát thì anh chỉ được ăn của giả, làm gì biết được cái gì cụ thể. Nhưng làm thế thì oai hơn, nhẹ nhàng hơn!”, người Đảng viên lão thành nói.
Do đó, theo nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, học Bác, trước hết cứ lấy tiêu chí “người đầy tớ thật trung thành với nhân dân” mà xem xét, mà xây dựng niềm tin nơi dân./.