Học thuyết Marx- cơ sở lý luận ứng dụng cho Việt Nam

Rà soát lại các học thuyết, các lý thuyết kinh tế chính, ứng dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam là công việc rất cần thiết, góp phần trực tiếp phục vụ nhiệm vụ Đại hội của Đảng.  

Trong các ngày 22 và 23/1/2010, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cuộc hội thảo cấp Quốc gia mang tên “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển mới của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam”. Cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận và quy tụ đông đảo các nhà khoa học, kinh tế học trong cả nước tham gia.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Phùng Hữu Phú, Uỷ viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương về những nội dung liên quan đến cuộc hội thảo quan trọng này.

** Thưa ông, xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà Hội đồng Lý luận Trung ương chọn chủ đề này cho cuộc Hội thảo khoa học mang tầm Quốc gia lần này?

Ông Phùng Hữu Phú: Như chúng ta đã biết, thế giới đang phải đối đầu giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Hiện nay nền kinh tế thế giới cũng đang khôi phục và tất cả các quốc gia đều phải tính toán con đường phát triển sắp tới như thế nào. Chúng ta cũng như vậy. Hơn nữa đây lại đúng vào thời điểm hết sức quan trọng là chúng ta đang hoàn chỉnh những văn kiện phục vụ Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản. Mà nhiệm vụ chính của Đại hội sắp tới là vạch con đường phát triển của đất nước trong chiến lược 10 năm, trong cương lĩnh một vài thập kỷ tới.

Bởi vậy, việc rà soát lại các học thuyết, các lý thuyết kinh tế chính, rồi suy nghĩ, rút ra những điều gì hợp lý mà chúng ta có thể tiếp thu được thì đó là công việc rất cần thiết, góp phần trực tiếp phục vụ nhiệm vụ Đại hội của Đảng. Đây cũng chính là chức năng của Hội Đồng Lý luận Trung ương. Cho nên, việc xác định chủ đề của Hội thảo này vừa có ý nghĩa lý luận rất căn cơ, vừa nhằm phục vụ rất thiết thực cho thực tiễn phát triển đất nước mà trước hết là cho Đại hội XI của Đảng.

** Vậy thưa ông, những tham luận tham gia hội thảo và gửi đến Ban tổ chức Hội thảo đã tập trung nêu những vấn đề gì mới và ông đánh giá thế nào về những ý kiến này?

Ông Phùng Hữu Phú: Đây là cuộc Hội thảo Quốc gia và Ban tổ chức đã nhận được trên 100 tham luận mà các nhà khoa học gửi đến. Các tham luận này tập trung vào 3 nội dung cơ bản:

+ Một là phân tích sâu hơn những giá trị của Học thuyết Marx. Phải nói rằng, chính cuộc khủng hoảng toàn cầu này lại giúp nhân loại thấy được nhiều điều mà Marx đã dự báo từ sớm và mới thấy được nhiều vấn đề về học thuyết Kinh tế - Chính trị Marx đã bàn mà chúng ta chưa thấy hết giá trị của nó.

+ Thứ hai là các tham luận cũng tập trung phân tích giá trị, cũng như những mặt hạn chế của các lý thuyết hiện đại, tập trung vào lý luận của Keynes và Lý luận của trường phái Tự do mới. Đúng là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bộc lộ những bất cập, hạn chế của các lý thuyết kinh tế hiện đại, nhưng đồng thời, trong các lý thuyết ấy vẫn có những nhân tố hợp lý và vẫn có thể tiếp tục vận dụng, tiếp tục hoàn thiện để khắc phục, để phát triển kinh tế.

+ Và cuối cùng, nội dung quan trọng nhất là từ việc xem xét lại, nghiên cứu phân tích sâu sắc hơn giá trị bền vững của học thuyết Mark đến việc phân tích mặt được, mặt hạn chế của các lý thuyết kinh tế hiện đại thì chúng ta vận dụng như thế nào đối với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước chúng ta. Tôi cho rằng, cả ba mảng nội dung đó thì nhiều tham luận có những ý kiến sâu sắc, mới và có những đóng góp rất thiết thực.

** Qua những ý kiến nêu tại cuộc hội thảo lần này thì chúng ta có thể đánh giá thế nào về việc vận dụng học thuyết kinh tế Marx – Lenin trong điều kiện nước ta thời gian qua và triển vọng thời gian tới?

Ông Phùng Hữu Phú: Có thể nói rằng, chúng ta coi Học thuyết Marx là nền tảng tư tưởng trong tư duy phát triển kinh tế của chúng ta. Những tư tưởng của Marx về những mâu thuẫn cơ bản của Chủ nghĩa Tư bản, tư tưởng về mối quan hệ rất biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tư tưởng của Marx về vai trò của khoa học công nghệ và những dự báo của Marx về bước phát triển mới của nền kinh tế nhân loại, nhất là khi khoa học công nghệ đã tác động trực tiếp thì nó có giá trị rất thiết thực đối với chúng ta. Nó gợi mở về việc phải tiếp tục phát triển lực lượng sản xuất như thế nào, đưa khoa học công nghệ vào như thế nào, vai trò của Nhà nước với thị trường như thế nào, nhất là trong việc vừa điều phối một cách hợp lý thị trường, vừa chăm lo giải quyết được các vấn đề phúc lợi, vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội.

Phải nói rằng, những tư tưởng đó vẫn là những tư tưởng rất cơ bản, gợi mở để chúng ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

** Hội thảo cũng đề cập lý luận của Keneys và Trường phái Tự do mới. Ông có ý kiến gì về vấn đề này và việc ứng dụng trong điều kiện nước ta?

Ông Phùng Hữu Phú: Phải nói rằng, lý thuyết của Keynes và lý thuyết Tự do mới là những lý thuyết về quản lý kinh tế lượng. Tức là gợi mở những phương pháp, những hạt nhân hợp lý trong việc quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô.

Nhưng chúng ta không đánh đồng lý thuyết Keynes, đánh đồng lý thuyết Kinh tế Tự do mới với học thuyết Marx. Học thuyết Marx là 1 học thuyết, một hệ thống lý luận về phát triển kinh tế, chỉ ra những quy luật vận động phát triển của loài người mà cụ thể là qua phân tích mô hình của Chủ nghĩa Tư bản.

Còn Lý thuyết Keynes và lý thuyết Tự do mới chủ yếu là tập trung giải quyết những vấn đề về quản lý kinh tế lượng như tôi đã nói mà trong đó hạt nhân cơ bản là giải quyết mối quan hệ, sự tương tác giữa thị trường và Nhà nước, phù hợp với bối cảnh vận động kinh tế của nhân loại ở từng giai đoạn. Khi chúng ta nói chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, thì dứt khoát phải dựa trên nền tảng tư tưởng của Marx, nhưng đồng thời không thể không tiếp thu những tri thức kinh tế hiện đại, nhất là vấn đề liên quan đến quản lý vĩ mô, những vấn đề liên quan đến kinh tế lượng.

Cho nên việc chúng ta tiếp tục nghiên cứu sâu để tìm ra những hạt nhân hợp lý của học thuyết Keynes, của lý thuyết Thị trường Tự do mới cũng như các lý thuyết kinh tế hiện đại khác là rất cần thiết. Đồng thời Hội thảo cũng toát lên vấn đề: dù vận dụng học thuyết Marx, dù phân tích hay áp dụng lý thuyết Keynes, lý thuyết Tự do mới thì điều quan trọng nhất vẫn là phải suy nghĩ trên mảnh đất Việt Nam, bằng thực tiễn Việt Nam với tư duy sáng tạo và độc lập.

** Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả cuộc Hội thảo lần này?

Ông Phùng Hữu Phú: Tôi cho rằng, cuộc Hội thảo đã thành công rất tốt đẹp. Trước hết là tập hợp, phát huy được trí tuệ của đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, giới kinh tế hàng đầu trong cả nước. Thứ hai là cũng gợi mở ra, tạo được sự thống nhất cao trong một số vấn đề cơ bản về giá trị của học thuyết Marx trong bối cảnh hiện nay, những hạt nhân hợp lý của các lý thuyết kinh tế hiện đại và phương hướng áp dụng các lý thuyết, học thuyết đó vào tình hình cụ thể của ta.

Tuy nhiên lý luận thì rất phong phú, cũng còn những vấn đề cụ thể mà ta phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Nhưng có thể nói, tôi cho rằng, với mức độ như vậy thì cuộc hội thảo này đã đạt kết quả rất thiết thực.

** Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên