Hội đồng bầu cử Quốc gia: Tiểu ban nhân sự họp phiên thứ nhất
VOV.VN - Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ, quyền hạn giúp Hội đồng bầu cử Quốc gia về công tác nhân sự, hồ sơ, người ứng cử, danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, lập danh sách đơn vị bầu cử...
Sáng nay 6/1, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra phiên họp thứ Nhất, Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban nhân sự chủ trì phiên họp. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa 15 đã được Quốc hội thông qua là 500 đại biểu.
Nghị quyết số 08 ngày 23/8/2020 của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã thành lập Tiểu ban Nhân sự gồm 8 thành viên, Trưởng Tiểu ban là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia; ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực; ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Tiểu ban và các ủy viên.
Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ, quyền hạn giúp Hội đồng bầu cử Quốc gia về công tác nhân sự, hồ sơ, người ứng cử, danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, lập danh sách đơn vị bầu cử, phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương, xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia giao.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban nhân sự cho biết, từ bây giờ khối lượng công việc của Tiểu ban Nhân sự phải thực hiện rất nhiều, trong đó có việc kết nối, bàn bạc chặt chẽ với Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa 15 đã được Quốc hội thông qua là 500 đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: "Với tinh thần nghiêm túc, phối hợp với các cơ quan hữu quan, để lựa chọn bầu đủ số lượng; đảm bảo tiêu chuẩn, đây là một trong những yêu cầu rất cao; đảm bảo về cơ cấu, ngành nghề; cơ cấu giới tính. Ví dụ như số lượng đại biểu nữ quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội cũng ghi rõ thấp nhất là 35%. Bên cạnh đó còn đảm bảo tính đại diện các ngành, dân tộc, các tầng lớp nhân dân phải có cơ cấu phù hợp. Có thể nói, phiên họp hôm nay rất quan trọng để tiểu ban thảo luận, cho ý kiến về phân bổ số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa 15."
Tại phiên họp này, các thành viên của Tiểu ban Nhân sự đã nghe hai tờ trình về dự kiến, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 15; tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Hướng dẫn về mẫu hồ sơ ứng cử, phiếu bầu cử và các loại mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Những nội dung của phiên họp thứ Nhất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới. Sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tiểu ban Nhân sự sẽ triển khai tiếp việc lập hồ sơ, giới thiệu người ứng cử, trách nhiệm công việc cụ thể của các địa phương./.